Phải khác biệt!

Vì hiện nay kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam. Nhưng muốn phát triển, cơ cấu kinh tế Việt Nam phải khác biệt với Trung Quốc”.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói như trên tại hội thảo về đề án tái cơ cấu kinh tế quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức.

Thực ra, vấn đề Việt Nam phải có mô hình phát triển khác biệt Trung Quốc đã được đặt ra từ khá lâu. Bởi Việt Nam là thị trường lớn của Trung Quốc và ngược lại. Hơn nữa kim ngạch buôn bán của Việt Nam với nước láng giềng khổng lồ này qua chính ngạch lẫn tiểu ngạch vẫn là một trong những vấn đề lúc nào cũng thời sự. Không thể tránh khỏi, cũng như không thể thoát khỏi mối quan hệ thương mại với Trung Quốc nhưng rõ ràng mô hình phát triển phải khác Trung Quốc.

Đó là một yêu cầu tất yếu khi nhận thức rằng: Ở một quy mô rất lớn, Trung Quốc sẽ chiếm lợi thế nếu mô hình phát triển của Việt Nam lấy mô hình của Trung Quốc làm chuẩn mực hoặc hình mẫu. Chính vì vậy nguyên Viện phó CIEM Võ Trí Thành từng nói rằng: “Không nên đặt vấn đề “thoát Trung” trong kinh tế, mà phải tìm cách “chơi” với Trung Quốc bằng sự khác biệt”.

Sự khác biệt ấy nằm ở đâu nếu không phải là tập trung “chơi” bằng chất lượng, bằng thương mại đa phương, hội nhập; tuân thủ những chuẩn mực hiện đại của các nước phát triển trong sản xuất, phân phối...? Đó chính là phương cách để tạo nên khác biệt so với Trung Quốc. TS Thiên đặt câu hỏi và tự trả lời: “Vì sao kinh tế Việt Nam cứ mãi lẹt đẹt? Bởi vì cơ cấu kinh tế của Việt Nam vừa phụ thuộc, lại vừa đi sau cơ cấu kinh tế của Trung Quốc. Phải hội nhập và hòa nhập với thế giới hiện đại”.

Như vậy vấn đề cốt lõi của Việt Nam vẫn là năng lực đeo bám với hội nhập. Hàng loạt hiệp định thương mại tự do, theo cách ông Thiên gọi là thế hệ mới, đẳng cấp cao đã được Việt Nam ký kết. TPP là một hiệp định không chỉ thu hút các nước phát triển, mà ngay chính Trung Quốc cũng đang đón đầu những thuận lợi do TPP mang lại cho Việt Nam và khu vực bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp của mình đầu tư vào những ngành như dệt may, da giày…

Trong khi đó, để đón được những lợi thế do TPP mang lại, Việt Nam không còn cách nào khác hơn là phải nâng cao chất lượng trong cả về thể chế lẫn sản xuất, phân phối để thực sự trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm