Ông trùm thuyền buồm Úc: Đáng tiếc cho du lịch biển Việt Nam!

Ông trùm thuyền buồm Úc: Đáng tiếc cho du lịch biển Việt Nam!

(PLO)- Việt Nam có thể kiếm bộn tiền từ ngành thể thao và du lịch thuyền buồm, rất tiếc nó lại đang bị bỏ quên.

Gần đây người dân TP.HCM và du khách tận mắt chứng kiến những chiếc thuyền buồm hai thân trị giá triệu đô “sang chảnh” lướt trên sông Sài Gòn, sau đó cập bến Bạch Đằng ở quận 1 để đón khách. Ít người biết rằng, những chiếc thuyền buồm thể thao và du lịch sang trọng này được xuất xưởng tại Việt Nam, do chính tay người thợ Việt góp phần tạo nên.

Ông Richard Ward, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Corsair Marine International- chủ nhân hai hãng thuyền buồm danh tiếng Seawind và Corsair Marine chia sẻ: “Tôi muốn thành lập một trung tâm thuyền buồm tại Bà Rịa- Vũng Tàu để mọi người dân có thể vận động, chơi môn thể thao nhiều kỹ năng, trí tuệ này và cũng là để tri ân bàn tay thợ Việt Nam”.

.Phóng viên: 10 năm nay gắn bó và coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình, ông có thể chia sẻ về cơ duyên cũng như bối cảnh ông đến Việt Nam?

+Ông Richard Ward: Tôi đóng thuyền buồm loại hai thân mang thương hiệu Seawind cách nay gần 37 năm, từ năm 1982. Lúc đó thương hiệu Seawind được đánh giá là một trong những thương hiệu mạnh nhất tại Úc. Tuy nhiên năm 2008, xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm phát sinh nhiều vấn đề khiến công ty chúng tôi khó đứng vững được trong bối cảnh đồng đô Úc tăng cao, các chi phí đầu vào cũng nhảy vọt. Cùng đó chi phí giao thuyền cho khách hàng cũng tăng phi mã. Từ đó tôi suy nghĩ nên di dời công ty đến một nơi khác.

Lúc đầu đầu tôi tính sẽ dời sang Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Malaisya hoặc Việt Nam. Cuối cùng tôi chọn Việt Nam.

.Khi khủng hoàng kinh tế toàn cầu xảy ra, Việt Nam cũng không nằm ngoài cơn địa chấn ấy. Vậy điều gì khiến ông quyết định chọn Việt Nam mà không phải là nước khác?

+ Tôi chọn Việt Nam vì tại đây đã có hãng thuyền buồm ba thân Corsair Merine. Lý do thứ hai là Việt Nam có vị trí địa lý tưởng với đường bờ biển rất đẹp dài hơn 3.260 km.

Ngoài ra ở thời điểm đó, thuyền buồm do công ty chúng tôi sản xuất tiêu thụ mạnh ở Mỹ, châu Âu nhưng lại chưa bán tại châu Á. Mặc dù toàn cầu bị khủng hoảng kinh tế nhưng thuyền vẫn bán chạy và chúng tôi mong muốn phát triển công ty hơn nữa. Vì vậy, dù khủng hoảng kinh tế cao độ nhưng cũng chính là thời điểm tốt nhất để tôi đưa ra quyết định di dời công ty từ Úc sang Việt Nam, dù chi phí di dời rất tốn kém.

Ông trùm thuyền buồm Úc: Đáng tiếc cho du lịch biển Việt Nam! ảnh 4

.Thời gian đầu đến khởi nghiệp tại vùng đất mới hẳn là không dễ dàng với ông lẫn công ty?

+Tại Úc tiếng tăm của công ty đã được định vị nên khi chuyển đi cũng phải duy trì thương hiệu và chất lượng nên rất cần đội ngũ nhân sự vững tay nghề. Tuy vậy tại Việt Nam thời điểm đó chưa ai biết nhiều về công nghệ đóng thuyền buồm cao cấp. Do vậy vấn đề nan giải nhất khi dịch chuyền đến Việt Nam là tìm cộng sự và nhân sự tốt, vững tay nghề.  

Trước tình hình này, những năm đầu tiên sang Việt Nam tôi phải trả tiền cho công nhân và quản lý từ Úc sang với mức lương rất cao. Song song đó, tôi thu hút công nhân, quản lý người Việt để đào tạo, huấn luyện cho họ công nghệ đóng thuyền buồm.

Rất mừng là đến lúc này tôi đánh giá lựa chọn Việt Nam để khởi nghiệp là đúng đắn vì người dân rất tốt và lực lượng lao động trẻ luôn khao khát học hỏi cái mới và thông minh.

Ông trùm thuyền buồm Úc: Đáng tiếc cho du lịch biển Việt Nam! ảnh 6

+Với bờ biển dài hơn 3.260 km và là cửa ngõ vươn ra châu Á Thái Bình Dương, theo ông Việt Nam nên làm gì để phát huy lợi thế du lịch thể thao, thuyền buồm?

+ Để phát triển ngành du lịch biển tại Việt Nam, tôi cho rằng cần chú ý đến các hoạt động liên quan du lịch trên biển. Nghĩa là thay vì để khách du lịch chủ yếu ăn và nằm dài trên biển uống bia thì cần chú ý khai thác các hoạt động vận động, thể thao trên mặt biển vốn rất đẹp như tại Việt Nam.

Thái Lan, Indonesia, Malaysia,… thu rất nhiều tiền từ ngành thể thao thuyền buồm khi các tay chơi thuyền buồm khắp thế giới ghế thăm họ và sẵn sàng chi tiền. Trong khi Việt Nam chưa có quy định cụ thể hơn để ngành thể thao biển đầy tiềm năng này phát triển. Rất đáng tiếc!

.Ông có thể nói rõ hơn điều “đáng tiếc” này?

+Hiện nay Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về ngành đóng thuyền buồm nên các doanh nghiệp rất khó mở mang các hoạt động về thuyền buồm hai thân. Đó là chưa kể các thủ tục có liên quan đều vướng mắc như quy hoạch, đăng kiểm, vận hành thể thao và du lịch. Trong khi các nước họ sử dụng thuyền buồm để chu du khắp thế giới nhưng tại Việt Nam buồm chỉ để… trang trí!

Nghịch lý còn ở chỗ tại Việt Nam buồm chỉ được phép căng lên khi đứng tại chỗ, còn căng lên để chạy thì chưa được phép. Đó là những quy định lỗi thời. Hiện điều này vẫn chưa có thay đổi. Thậm chí công ty chúng tôi đã ký thỏa thuận cung cấp 10 chiếc thuyền buồm cho một resort nhưng cánh buồm chỉ để trang trí cho đẹp con thuyền chứ chưa được căng lên sử dụng như hoạt động thể thao trên biển.

Bởi vậy tôi nghĩ là quốc gia biển, Việt Nam cần đánh giá đầy đủ, xem đây là môn thể thao thực thụ để mở đường cho ngành du lịch, thể thao thuyền buồm phát triển.

.Ngoài những vấn đề ông vừa nêu, còn những vướng mắc gì cần tháo gỡ để Việt Nam phát huy tiềm năng thể thao, du lịch biển?

+ Thủ tục nhập cảnh đường thủy tại Việt Nam mất quá nhiều thời gian. Ví dụ tàu có quốc tịch quốc tế muốn vào Việt Nam phải mất hàng tuần với nhiều thủ tục nên khách họ không chọn Việt Nam, thay vào đó họ chọn Thái Lan hoặc một quốc gia khác thủ tục này đơn giản hơn.

.Việt Nam được đánh giá là có lợi thế rất lớn về du lịch thuyền buồm như có nhiều bãi, vịnh, sông, biển, đảo đẹp... Vậy ông có ấp ủ ý tưởng xây dựng khu neo đậu, giải trí thuyền buồm tại Việt Nam để thu hút du khách trên thế giới dừng chân?

+ Tôi đã duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam khoảng 10 năm nay. Bây giờ tôi muốn tìm một địa điểm để đặt nhà máy ngay cạnh mặt nước, tiện cho việc đóng tàu và triển khai các hoạt động liên ngành du lịch. Khi đó hàng trăm chiếc thuyền buồm sang trọng, lịch lãm do bàn tay thợ Việt Nam làm sẽ chu du khắp thế giới.

Hiện tôi có vài dự án và đã gặp gỡ, trao đổi với chính quyền cấp tỉnh thành, trong đó đã tiếp xúc UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trình bày về kế hoạch phát triển trung tâm thuyền buồm tại địa phương này. Vấn đề khó khăn là vị trí đủ sâu và kín gió để hạn chế tác động khi có bão. Tôi cũng mong chính quyền hỗ trợ tìm kiếm một ví trí phù hợp để đầu tư lâu dài dự án này.

.Vậy cách ông có đề xuất gì để dự án mới mẽ này thành hiện thực?

+ Tôi cho rằng Việt Nam nên bỏ bớt các quy định không phù hợp để những người chơi thuyền buồm dừng chân. Đồng thời cần mở cửa để nhà đầu tư nhảy vào xây dựng trung tâm, câu lạc bộ thuyền buồm vì nó không quá công phu và chi phí không quá lớn. Nên nhớ dòng thuyền buồm xa xỉ dành cho giới thượng lưu chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ, trong khi nhu cầu cộng đồng rất cao.

Thực tế tại Úc và một số nước đã có nhiều câu lạc bộ thuyền buồm do các tổ chức tài chính tài trợ để tổ chức khóa học kỹ năng dưới nước. Tương lai nếu Việt Nam xây dựng được các câu lạc bộ như thế này, chúng tôi sẽ hỗ trợ đào tạo, huấn luyện và tổ chức các hoạt động kỹ năng của bộ môn thể thao này hướng đến cộng đồng.

Đọc thêm