Ông Phan Đức Hiếu: 'Tôi biết các bạn cũng chán nói rồi!'

Sáng 28-8, Viện Nghiên cứu thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ KH&ĐT) tổ chức hội thảo về doanh nghiệp xã hội (DNXH).

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu có một bài trình bày khá cảm xúc. Ông nói rằng: Nhiều nhà làm chính sách vẫn hỏi DNXH là gì. Điều đáng nói là họ không tự đi tìm hiểu. Khi biết rằng DNXH là DN kinh doanh lấy lợi nhuận để giải quyết các vấn đề xã hội thì họ lại ngạc nhiên rằng “trên đời ai đi kinh doanh kiểu đó?”.

“Tôi nói có thể hơi quá nhưng đây là kinh doanh văn minh” - ông Hiếu nói và khẳng định thúc đẩy DNXH chính là thúc đẩy phát triển bền vững.

Ông chia sẻ: Nhiều năm trước đây, khi sang Singapore dự hội thảo về DNXH, ông đã từng thấy người ta căng băng rôn ghi DNXH là “Super Hero” (siêu anh hùng).

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM (bìa phải), phát biểu tại hội thảo.

Doanh nghiệp xã hội thiếu hỗ trợ từ chính sách

Theo những gì ông Hiếu nghiên cứu thì từ thế kỷ 17, tại Vương quốc Anh đã xuất hiện DNXH. Đến nay, tại đây có khoảng 70.000 DNXH, đóng góp 24 tỉ bảng/năm và tạo ra hàng triệu việc làm. Ở Hàn Quốc, DNXH cũng bắt đầu có khái niệm từ cuối thập kỷ 1990 của thế kỷ trước. Tại các nước láng giềng của Việt Nam, hiện nay DNXH cũng đóng góp ngày càng quan trọng vào kinh tế quốc gia.

“Ở Việt Nam, Luật DN 2014 đã chính thức hóa DNXH nhưng thực sự thì DNXH tồn tại trước khi có luật pháp, trước khi khái niệm DNXH có trong luật” - ông Hiếu nói.

Đại diện nhiều DNXH tại hội thảo cho rằng vẫn còn những khó khăn về thể chế, chính sách cho DNXH. Một DNXH tại Sa Pa cho biết: "Dù được thôi thúc thành lập DNXH về du lịch nhưng tôi thấy cô đơn, lẻ loi vì không biết ban, ngành nào của chính quyền sẽ giúp mình làm các thủ tục.

Tôi đọc các văn bản luật và không hiểu. Các nhà đầu tư, các dự án NGO (tổ chức phi chính phủ) cũng khó khăn. Đôi khi tôi phải bỏ qua một số NGO vì tôi không biết phải viết báo cáo thế nào".

Từ đó, DNXH này đề nghị tới đây cần có chính sách ưu tiên cho người bản địa phát triển, khởi nghiệp, phải có chính sách ổn định về sở hữu đất đai cho người bản địa để họ yên tâm phát triển.

Một trung tâm giáo dục cho trẻ tự kỷ chia sẻ các thủ tục khi thành lập trung tâm rất rắc rối và phải có chi phí mới suôn sẻ. Đây là trung tâm mang tính chất xã hội, giải quyết một vấn nạn xã hội nhưng dường như những chính sách ưu đãi vẫn chưa được thiết kế. Chẳng hạn về chính sách bảo hiểm xã hội, trung tâm lo lắng nếu năm tới chi phí bảo hiểm tăng lên thì sẽ phải thu của học sinh nhiều hơn. Như vậy thì những người yếu thế càng bị đặt vào thế yếu.

Dù chán vẫn phải lên tiếng 

Tổng hợp ý kiến, ông Hiếu nhận định kỳ vọng của xã hội và DNXH vào những chính sách là rất lớn, đáng buồn là không phải cơ quan hoạch định chính sách nào cũng quan tâm tới vấn đề này đủ.

“Như hội thảo hôm nay, chúng ta thấy rất buồn khi chủ tọa hỏi có đại diện của bộ nào ở đây không và kết quả là không” - ông Hiếu nói.

Nền tảng pháp lý của DNXH hiện nay là Luật DN 2014 và thách thức lớn nhất không phải là câu hỏi “Chính phủ phải làm gì?” mà là việc những chính sách phải xuất phát từ thực tiễn rồi được triển khai, thực thi thực chất.

“DNXH có khát vọng, tự tin và hy sinh. Họ chọn cách kinh doanh khó nhất là xuất phát từ các vấn đề xã hội để giải quyết các vấn đề xã hội” - ông Hiếu nói.

Với vai trò là một trong những người chủ trì soạn thảo Luật DN 2014, ông Hiếu nói khi đó Ban soạn thảo đã cố gắng thiết kế nhiều chính sách để thúc đẩy DNXH. Đơn cử như việc miễn thuế thu nhập DN đối với lợi nhuận giữ lại của DN những khoản tài trợ cho DNXH được tính vào chi phí DN cho DN tài trợ…

“Rất tiếc khi đó chúng tôi không thuyết phục được các nhà làm chính sách” - ông Hiếu cho hay.

Với các DNXH có mặt tại hội thảo, ông Hiếu nhắn nhủ: “Có thể các bạn cũng chán nói rồi nhưng chúng ta cần lên tiếng, cần có những diễn đàn để thúc đẩy DNXH phát triển. Vì DNXH chính là cách thức phát triển bền vững”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm