'Ông lớn' sẽ làm gì nếu dịch tả heo xảy ra ở TP.HCM?

Mới đây, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan đã kí văn bản gửi Sở Công thương TP.HCM về Kế hoạch ứng phó với bệnh dịch tả heo Châu Phi.

Văn bản nêu rõ, theo nhận định của UBND TP.HCM khả năng xâm nhiễm mầm bệnh dịch tả heo châu Phi vào thành phố trong thời gian tới là khá cao. Điều này sẽ làm nguồn cung bị thiếu hụt, giá cả tăng cao, thịt tựơi sống nên thị trường có thể gián đoạn ảnh hưởng đến tâm lý người dân, an ninh xã hội.

Trước tình hình trên, Vissan chủ động các kịch bản ứng phó trong các tình huống phát hiện dịch bệnh và diễn biến dịch bệnh trên địa bàn thành phố cũng như khu vực xung quanh công ty .

Ví dụ: Đối với nguồn heo giết mổ tại công ty đảm bảo có nguồn gốc xuất phát từ các trại chăn nuôi heo theo quy trình công nghiệp do các đơn vị nhà nước, các đơn vị liên doanh liên kết quản lý (mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình chăn nuôi theo dự án LIPSAP...).

Vissan cũng nhận thấy phương án nhập khẩu thịt heo đông lạnh mang tính khả thi nếu dịch bệnh bùng phát. Hiện nay, công ty đang tồn kho 1.600 tấn thịt heo đông lạnh, dự kiến nhập khẩu thêm 2.000 tấn thịt heo đông lạnh. Tổng cộng tồn kho là 3.600 tấn.

Công ty giả định ba trường hợp khi xảy ra dịch bệnh, sức mua người tiêu dùng vẫn như ngày thường, tăng 50% và tăng 100% so với ngày thường. Với thời gian nhập khẩu 45 ngày, công ty có thể đáp ứng được khả năng sức mua tăng 100% so với ngày thường.

Về chi phí nhập khẩu thịt heo đông lạnh, với 2.000 tấn nhập khẩu TP.HCM, tương ứng giá bình quân 80.000 đồng/kg, công ty cần 160 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch nhập khẩu dự trữ tồn kho như trên...

Khi xảy ra dịch bệnh, công ty dự kiến sẽ cung cấp thịt heo đông lạnh nhập khẩu (40 tấn/ngày) cho các điểm chấp nhận sử dụng thịt mát này.

Không chỉ Vissan mà các siêu thị, doanh nghiệp, trang trại cũng cho biết đang căng mình để kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng thịt heo. Họ còn bố trí người kiểm soát, kiểm dịch 24/24 giờ nhằm đảm bảo không để lọt thịt heo dịch bệnh đến tay người tiêu dùng (NTD).

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho hay hiện nay nguồn thịt heo đang bán trên hệ thống chủ yếu nhập từ các đầu mối uy tín như Vissan, Nam Phong, Anh Hoàng Thy, SagriFood,… Hầu hết thịt heo từ các nguồn này đều đạt chuẩn VietGAP nên NTD có thể an tâm.

Đặc biệt từ khi có thông tin về bệnh dịch, Saigon Co.op đã ngay lập tức áp dụng hàng loạt biện pháp kiểm soát nguồn thịt tốt nhất có thể. Chẳng hạn bên cạnh việc tăng tần suất kiểm soát, hệ thống Saigon Co.op còn tổ chức kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm bất ngờ tại các siêu thị để đảm bảo an toàn khi bán đến NTD.

Bộ Công Thương mới đây cũng phát đi khuyến cáo NTD không nên hoang mang trong việc sử dụng thịt heo trong điều kiện dịch bệnh. Thay vào đó chỉ nên cẩn trọng trong việc lựa chọn nguồn hàng bằng cách đến các địa điểm bán thực phẩm sạch, an toàn, các quầy hàng bán thịt heo đã được cơ quan thú y kiểm dịch đầy đủ theo quy định.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khẳng định: “Dịch tả heo châu Phi không có khả năng lây sang người nên NTD không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt heo”.

PGS Phu giải thích thêm dịch tả heo có tác nhân gây bệnh là virus, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn.

“Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch tả heo sang người” - ông Phu nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm