'Ông lớn' ngoại muốn mua đứt doanh nghiệp in Việt Nam

Ngày 13-9, tại buổi họp báo "Triển lãm ngành in TP.HCM năm 2019" do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Hội in TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM tổ chức, ông Ngô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội In TP.HCM, cho biết: Thống kê ba năm qua cho thấy ngành in Việt Nam đóng góp 1% GDP cả nước, trung bình khoảng 2 tỉ USD. Nếu cộng cả khối DN đầu tư nước ngoài (FDI)  thì tổng doanh thu ngành in và bao bì Việt Nam đạt 4 tỉ USD. Qua đó cho thấy ngành in rất tiềm năng. Riêng ngành in TP.HCM chiếm khoảng 60% tổng doanh thu cả nước.

Doanh nghiệp in Việt Nam không đủ lực nhận đơn hàng lớn từ Trung Quốc

Trong tất cả ngành công nghiệp phụ trợ thì ngành công nghiệp in và bao bì có khả năng đáp ứng rất tốt cho các tập đoàn và công ty lớn. Trước đây các công ty in và bao bì nước ngoài chiếm ưu thế chủ đạo trong lĩnh vực bao bì, hiện nay các công ty in và bao bì Việt Nam ngày càng mạnh và từng bước chiếm được thị trường tại các khu công nghiệp lớn.

Theo ông Tuấn, một trong những ngành công nghiệp lớn trên thế giới là công nghiệp bao bì - đóng gói. Trước đây, các DN Trung Quốc vừa đóng gói vừa sản xuất bao bì. Gần đây nhất, làn sóng đầu tư các công ty FDI đi theo các công ty lớn do sự tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đến Việt Nam nhiều.

Hiện nay, đa số các công ty bao bì - đóng gói và các công ty in có hàm lượng sản phẩm in lớn hơn 60% đều muốn chuyển sang Việt Nam. Thực tế, đã cóhai tập đoàn lớn về sản xuất và đóng gói lớn của Trung Quốc là JST và LEO qua Việt Nam.

Thông thường các nhà máy lớn của Trung Quốc đặt ở Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng nhiều hơn ở TP.HCM. Vì số lượng nhân công tuyển dụng lên đến 40.000 người, tốc độ phát triển của các DN in này đạt được sáu nhà máy trong vòng hai năm.

Còn tại TP.HCM đa số là các công ty của Mỹ, châu Âu, họ đến để chuyển dịch các sản phẩm gia công có hàm lượng bao bì in ấn trên 60% qua Việt Nam. Các công ty đồ chơi của Mỹ, châu Âu cũng đang tìm đến TP.HCM để chuẩn bị các bước tiếp theo. Hằng ngày, TP.HCM tiếp xúc 10 đoàn DN đến từ các nước trên thế giới muốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Tuy nhiên, ngành in Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức. Nguyên nhân, các DN còn xem thị trường nội địa là chủ yếu, trong khi DN FDI càng ngày chiếm dần thị trường các công ty đầu tư mới. Nguy cơ cho DN Việt khó giữ được thị trường vốn đang yếu thế.

Trong khi đó, ngành in TP.HCM khi tiếp cận các nguồn lực nước ngoài gặp khó khăn: Thứ nhất là sự chuyên nghiệp. Thứ hai là chuẩn mực chất lượng, chuẩn mực về môi trường, chuẩn mực về quản lý quá trình sản xuất. Thứ ba là sự đáp ứng trách nhiệm xã hội, thỏa ước lao động theo quy định của Bộ luật Lao động Việt Nam. Khó khăn tiếp theo là số lượng gia công vượt quá khả năng của DN. Thường những đơn hàng trong nước, DN gia công khoảng vài ngàn sản phẩm, bây giờ gia công cả triệu sản phẩm thì khả năng đáp ứng thế nào?

Theo ông Tuấn, rất nhiều nhà in lớn Việt Nam tưởng là lớn khi có 5-6 máy in, trong khi nhà in Trung Quốc có hàng trăm máy, trong đó khổ máy gấp đôi, tốc độ cũng cao gấp rưỡi, họ đang sản xuất vậy, giờ chuyển sang Việt Nam, DN tiếp nhận khó khăn. Hiệp hội đang kêu gọi các DN gắn kết với nhau để nhận được những đơn hàng lớn như vậy.

Ông Ngô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội In TP.HCM, chia sẻ thông tin tại buổi họp báo "Triển lãm ngành in TP.HCM năm 2019".

Doanh nghiệp Nhật, Hong Kong… thích mua doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hơn

Về chính sách, hiện nay Nhà nước đã mở rộng ra rất nhiều các điều kiện hoạt động, không phân biệt DN nước ngoài hay trong nước… Hiện nay ngành in ấn văn hóa phẩm ngày càng đi xuống, ảnh hưởng bởi sự phát triển của mạng xã hội, truyền thông điện tử… Do vậy, yếu tố tăng trưởng không nằm trong in ấn mà nằm trong bao bì và gia công sản phẩm cho nước ngoài.

Trong ba năm qua, lĩnh vực bao bì tiếp tục tăng trưởng 15%-17%/năm. Thị trường đã xuất hiện các thương vụ M&A, ngành in có lo lắng gì trước xu hướng này?

Ông Tuấn thẳng thắn nhìn nhận: Đúng là cách đơn giản để DN FDI thiết lập cơ cấu sản xuất tại thị trường Việt Nam là mua luôn nhà in đó. Tuy nhiên, các DN Nhật Bản, Hong Kong lại mua DN FDI hơn các DN Việt Nam.

“Chúng tôi thấy rõ ở các khu công nghiệp, tôi chứng kiến DN Thái Lan bán cho DN Nhật Bản; một số các nhà in khác cũng có thể đang tiến hành các thủ tục M&A để chuẩn bị tư thế tiến vào thị trường Việt Nam một cách nhanh nhất. Tôi thấy các DN in Việt Nam đã bị M&A từ cách đây nhiều năm rồi. Hiện tại các DN nước ngoài họ đang tiến hành M&A những DN Việt nào có sẵn nguồn nhân lực tốt, khả năng đáp ứng lượng hàng xuất khẩu lớn… sẽ mua ngay” - ông Tuấn nói.

Hiện nay một số DN Việt Nam đang thương lượng để được mua. Trong ba năm gần đây, các đoàn luật sư của Nhật đã đến TP.HCM nhiều, phần lớn trong hội thảo, trao đổi tại các cuộc họp, họ cho biết muốn mua lại các DN in Việt Nam.

Mặt khác, ông Tuấn cho biết ngành in Việt Nam không thua bất kỳ DN nào so với các nước trong khu vực Đông Nam Á xét về kỹ thuật công nghệ. Nếu thua là thua về trình độ quản lý sản xuất. Nhưng trong thị trường Việt Nam, DN Việt có sự thua kém nhất định về trình độ công nghệ so với nhà in của Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.

Cả nước hiện có 2.200 các đơn vị có đăng ký hoạt động ngành in. Riêng Hội In TP.HCM có 168 hội viên, trong đó phần lớn là các nhà in lớn, chiếm 90% sản lượng in của thành phố. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm