Ô tô mới nằm phơi nắng, cần khẩn cấp giải cứu

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái mới đây đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất hướng tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Đáng chú ý, Phó Thủ tướng yêu cầu các bên liên quan xem xét, nghiên cứu giảm 50% phí trước bạ đối với xe hơi sản xuất trong nước.

Nếu phí trước bạ giảm 50% như năm ngoái sẽ có lợi cho người tiêu dùng và kích cầu thị trường ô tô. Ảnh: QUANG HUY

Tồn kho hàng chục ngàn ô

Hiện nay, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, do đó thị trường ô tô bất động, nhất là tại hai TP có sức mua ô tô lớn nhất Việt Nam (VN) là Hà Nội và TP.HCM. Nguyên nhân, do việc mua bán xe đình trệ nên các showroom phải đóng cửa. Thậm chí tại một số nơi, các loại ô tô mới cũng chịu cảnh nằm phơi nắng, phơi mưa ở các bãi đậu xe.

“Nhu cầu đi lại hạn chế, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nặng nề khiến sức mua của thị trường cũng giảm rất sâu. Trong bối cảnh trên, nhiều hãng xe thi nhau ưu đãi, giảm giá trung bình 30-130 triệu đồng/chiếc tùy dòng xe nhằm giải phóng hàng tồn và kích cầu thị trường. Tuy vậy, sức mua vẫn hết sức èo uột, nếu không muốn nói là đóng băng” - anh Tuấn (chủ một đại lý ô tô ở quận Tân Bình, TP.HCM) nói.

Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô VN cho hay trong tháng 7 vừa qua, doanh số bán hàng của toàn thị trường chỉ đạt hơn 16.000 xe, giảm 32% so với tháng trước đó. Doanh số bán ô tô của các công ty thành viên đều giảm sút. Hiện nay, tồn kho ước tính hơn 40.000 xe các loại, tương đương với khoảng hai tháng tiêu thụ.

Giới kinh doanh cho rằng nếu dịch COVID-19 vẫn chưa khống chế được thì doanh số bán ô tô của toàn thị trường có thể sẽ tiếp tục đi xuống trong thời gian tới. Đó là chưa kể tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ sản xuất, lắp ráp xe trong nước cũng như nhập khẩu.

Chính vì vậy, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô VN đề xuất Chính phủ được tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước. Ông Nguyễn Tuấn Minh, chủ một đại lý kinh doanh ô tô tại TP.HCM, cho biết hoạt động bán hàng đã bất động mấy tháng nay. Tuy nhiên, khi nghe tin có thể sẽ được giảm 50% phí trước bạ, ông rất vui. Bởi nếu được giảm 50% phí trước bạ thì người mua tiết kiệm được từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi chiếc xe.

“Tôi dự báo nhu cầu mua ô tô tại VN, nhất là ở các TP lớn vẫn còn khá cao sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Như vậy nếu giảm phí trước bạ, xe sẽ kích cầu tiêu dùng tốt hơn sau khi dịch được kiểm soát, giúp thị trường ô tô khởi sắc trở lại” - ông Minh nhận định.

Đại diện một công ty sản xuất ô tô trong nước cũng đánh giá trong năm 2021, các quy định về giãn cách, cách ly xã hội nghiêm ngặt khiến giới sản xuất, kinh doanh ô tô thiệt hại nặng nề. Trong khi đó họ vẫn phải chi trả nhiều khoản như thuế, chi phí thuê văn phòng, địa điểm kinh doanh, phí lưu kho; tiền điện, nước, lương nhân viên… Do vậy, việc ưu đãi lệ phí trước bạ sẽ giúp họ tăng doanh số bán, giảm bớt phần nào khó khăn, hồi phục khi dịch được kiểm soát.

Cần chính sách giảm giá xe lâu dài

Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô, phân tích: Giảm lệ phí trước bạ chỉ là giải pháp trước mắt, vì vậy cần có các giải pháp bền vững hơn. Chẳng hạn, với các công ty sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô đáp ứng tiêu chuẩn thế giới, có thể xuất khẩu thì cần có chính sách miễn, giảm 10% thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10 năm trở lên. Như vậy mới thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô VN. Ví dụ, Tập đoàn Thaco sản xuất, lắp ráp được các mẫu xe có tỉ lệ nội địa hóa cao 40%-60% thì cần miễn, giảm 10% thuế VAT cho những sản phẩm nội địa hóa này.

Ông Đồng dẫn chứng tại Thái Lan, Indonesia có chính sách ưu đãi rất tốt với phần nội địa hóa. Theo đó, những công ty trong nước sản xuất được các linh kiện, phụ tùng ô tô được các hãng ô tô thế giới công nhận chất lượng thì sẽ được miễn, giảm thuế và nhiều chính sách ưu đãi khác.

“Ngoài ra, các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cần có chiến lược giảm giá thành sản phẩm, cụ thể mỗi năm phải giảm bao nhiêu phần trăm. Khi đó mới có thể kích cầu mạnh, tạo ra một thị trường ô tô quy mô đủ lớn” - ông Đồng nhấn mạnh.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cũng tán đồng với đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với xe lắp ráp, sản xuất trong nước. Bởi việc giảm lệ phí trước bạ không làm giảm số thu ngân sách, ngược lại còn tăng số thu thuế, phí thu được nhờ tăng trưởng doanh số bán xe mang lại. Nói cách khác, việc giảm lệ phí trước bạ sẽ tác động tốt đến thị trường, kích cầu tiêu dùng mà vẫn tăng thu ngân sách.

“Doanh số bán ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2020 tăng nhờ được giảm 50% lệ phí trước bạ vào nửa cuối năm 2020. Đáng chú ý, dù giảm lệ phí trước bạ nhưng thu ngân sách vẫn tăng hơn 11.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước đó. Trong đó, riêng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT tăng hơn 8.200 tỉ đồng; phí và lệ phí trước bạ tăng hơn 3.000 tỉ đồng” - TS Thịnh dẫn chứng. 

Tuy vậy, vị chuyên gia này cho rằng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ chỉ nên áp dụng trong một thời gian nhất định chứ không thể kéo dài vì sẽ vi phạm quy định quốc tế.•

 

Đề nghị gia hạn nộp thuế đặc biệt với ô tô

Bộ KH&ĐT vừa hoàn thiện nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Trong đó, bộ này đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu trình Thủ tướng tiếp tục gia hạn việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021. Đồng thời nghiên cứu đánh giá tác động dịch bệnh để có thể xem xét tiếp tục giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Lý do là ngành sản xuất ô tô đang đối diện với nguy cơ khủng hoảng toàn diện. Đơn cử như tổng cầu đang giảm, thiếu linh kiện, kinh doanh đình trệ, chi phí vận chuyển đắt đỏ do giao thông khó khăn.

Xe Ford bán tải ngừng sản xuất vì thiếu chip 

Hãng xe Mỹ buộc phải ngừng sản xuất dòng xe Ford bán tải vốn được người tiêu dùng VN ưa chuộng. Theo đó, hãng này xác nhận hai nhà máy chuyên lắp ráp mẫu xe bán tải đặt tại Canada và Mỹ phải đóng cửa vào cuối tháng 8 này do không thể tìm đủ nguồn cung chip để đưa vào sản xuất.

Không chỉ Ford bị ảnh hưởng bởi điều này mà các hãng ô tô khác trên thế giới cũng đang đau đầu vì chỉ thiếu một linh kiện nhỏ mà toàn bộ dây chuyền sản xuất phải dừng hoạt động. Việc thiếu chip bắt đầu từ năm ngoái, khi tình trạng dịch bệnh gây gián đoạn chuỗi cung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm