Ô tô lắp ráp trong nước trỗi dậy trên sân nhà

Giới kinh doanh từng lo ngại ô tô nhập khẩu nguyên chiếc sẽ đè bẹp xe sản xuất, lắp ráp trong nước khi thuế nhập từ các nước ASEAN về mức 0%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy xe lắp ráp trong nước gần đây trỗi dậy khá mạnh mẽ và giữ được vị thế trên sân nhà. 
Lấn át xe ngoại nhập
Trong bảng xếp hạng tốp 10 xe bán chạy nhất thị trường ô tô Việt Nam tháng 11 vừa qua có tới tám cái tên được sản xuất, lắp ráp trong nước. Đáng chú ý, mẫu xe thương hiệu Việt Nam là Fadil tiếp tục có một tháng kinh doanh đầy ấn tượng với hơn 2.800 xe bán ra, đứng vị trí thứ hai bảng xếp hạng đầy thuyết phục. 
Những mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước khác cũng tiếp tục khẳng định được chỗ đứng trên thị trường nội địa và nằm trong tốp xe bán chạy. Đơn cử như mẫu Hyundai i10, Hyundai Accent, Mazda CX-5, KIA Cerato, Hyundai Santa Fe. Riêng mẫu xe lắp ráp trong nước vừa ra mắt KIA Seltos cũng nhanh chóng có doanh số bán tốt, đẩy nhiều xe nhập khẩu trước đây luôn hút khách ra khỏi bảng xếp hạng này. 
Đặc biệt, theo báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước bán ra trong tháng 11 đạt hơn 23.500 xe, tăng 15% so với tháng trước. Con số này cao gần gấp đôi số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc với 12.800 xe, chỉ tăng 0,7%.
Một bất ngờ khác là các tập đoàn ô tô Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế trước các hãng xe có thương hiệu nước ngoài. Ví dụ, ông lớn Thaco dẫn đầu thị trường về doanh số bán hàng của ngành ô tô Việt Nam. Còn TC Motor cũng bất ngờ vượt Toyota Việt Nam, giành lại vị trí thứ hai trong số các nhà sản xuất ô tô có doanh số lớn tại Việt Nam. 
Lý giải về sự bứt tốc của các mẫu xe sản xuất và lắp ráp trong nước, ông Nguyễn Trung Quân, chủ đại lý kinh doanh ô tô tại TP.HCM, cho rằng nguyên nhân chính là nhờ chính sách giảm 50% phí trước bạ theo Nghị định 70/2020 của Chính phủ. 

Nhiều mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước được khách hàng tìm mua.
Ảnh: QH

Bởi nhờ việc được giảm lệ phí trước bạ, các dòng xe lắp ráp trong nước có ưu thế hơn so với xe nhập khẩu. Nói cách khác, khi mua ô tô lắp ráp trong nước, người tiêu dùng có thể tiết kiệm từ hàng chục đến cả trăm triệu đồng và họ quyết định mua xe nhiều hơn.
Bên cạnh lợi ích của người tiêu dùng, chính sách này còn giúp nhà sản xuất, lắp ráp trong nước có nhiều lợi thế. Chẳng hạn, giúp kích cầu tiêu dùng xe sản xuất trong nước, hỗ trợ các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, tổn thất do dịch bệnh. 
“Thông qua việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp các nhà sản xuất ô tô trong nước đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của xe nội” - ông Trung phân tích. 
Giới kinh doanh cũng nhìn nhận một trong những lợi thế của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là sẵn nguồn cung cho khách hàng. Nhờ đó, các hãng ô tô trong nước không đẩy giá hay ép khách hàng phải mua thêm phụ kiện kiểu “bia kèm lạc” để nhận xe sớm như một số mẫu xe nhập khẩu.

Xe trong nước có nhiều cái lợi

Trước đây người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý rằng xe nhập khẩu chất lượng tốt hơn xe sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, ô tô đã trở thành phương tiện khá phổ biến, nhiều người tiêu dùng có kinh nghiệm đã chuyển dần sang lựa chọn xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Hơn nữa, xe sản xuất tại Việt Nam có nhiều cái lợi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc như dễ thay linh kiện, phụ tùng, bảo hành, bảo dưỡng và chi phí thấp hơn.

Ông ĐỨC LÂM, nhà quận Bình Thạnh, TP.HCM 

Không nên coi ô tô giá bình dân là hàng xa xỉ
Dù ô tô sản xuất, lắp ráp đã có dấu hiệu khởi sắc nhưng nhiều ý kiến cho rằng chưa nên vội mừng, vì để phát triển bền vững còn rất nhiều việc phải làm. Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng nhìn nhận chính sách giảm phí trước bạ hay giảm thuế để kích cầu cho xe lắp ráp trong nước chỉ là giải pháp trước mắt. 
“Về lâu dài, Việt Nam cần chính sách căn cơ thu hút các tập đoàn sản xuất linh phụ kiện hàng đầu thế giới vào để làm giảm chi phí, giảm giá thành. Khi có chính sách hợp lý, các hãng xe hàng đầu thế giới sẽ tập trung cho sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam chứ không có chuyện lúc thì ồ ạt nhập xe, lúc lại chuyển sang lắp ráp” - ông Đồng nói. 

Với dòng ô tô thông thường không nên coi là đồ xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Ảnh: QH

Vị chuyên gia này cũng cho rằng để tăng sức cho xe trong nước cần có hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn khí thải chặt chẽ đối với xe nhập khẩu. Có như vậy mới tạo ra sân chơi công bằng cho các hãng xe.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng những chính sách hỗ trợ đối với ngành ô tô như miễn giảm thuế rất quan trọng nhưng chưa đủ. Cần có cái nhìn toàn diện hơn. Đầu tiên là phải kích cung, có chính sách đẩy mạnh chuyển giao công nghệ; kết nối chuỗi giá trị để khuyến khích, hỗ trợ công ty ô tô trong nước tạo ra những sản phẩm chất lượng, có lợi thế cạnh tranh.
“Thứ hai là kích cầu. Nhiều người đề xuất với những loại ô tô thông thường, giá bình dân thì không nên coi là đồ xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Đó là điều nên xem xét. Thứ ba là Việt Nam phải tiến tới sản xuất những dòng ô tô mới” - TS Thành gợi ý. 

80% linh kiện ô tô lắp ráp tại Việt Nam phải nhập khẩu

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Trưởng ban phụ trách chiến lược và đối ngoại Công ty Toyota Việt Nam, cho biết: Việt Nam đã nội địa hóa được những linh kiện có nhiều ưu thế như linh kiện cồng kềnh, nếu nhập ở nước ngoài về thì tốn chi phí logistics và những linh kiện tốn nhiều lao động. 

Thậm chí, có những công ty ô tô Việt đã xuất khẩu ra toàn cầu và cạnh tranh rất mạnh mẽ. “Tôi cũng được biết Việt Nam mỗi năm xuất khẩu ra toàn cầu khoảng 4-5 tỉ USD linh kiện ô tô” - đại diện Toyota nhấn mạnh.

Tuy nhiên, xe sản xuất tại Thái Lan hay Indonesia có phần lớn linh kiện sản xuất tại chính nước đó, chỉ khoảng 10% nhập khẩu. Trong khi với xe sản xuất tại Việt Nam có đến 80% linh kiện phải nhập khẩu.

Một trong những điểm bất lợi của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là giá cả kém cạnh tranh. Ví dụ, một cái nắp bình xăng ô tô bằng thép, giá của nhà cung cấp trong nước là 3,8 USD, trong khi đó nhập khẩu từ nước ngoài về tận nhà máy là 1,5 USD. 

“Với chênh lệch giá như vậy, cộng với nhiều linh kiện cũng có giá chênh lệch thì khi lắp vào chiếc xe sẽ có giá thành cao hơn xe sản xuất tại nước ngoài. Điều này sẽ không tạo ra được cạnh tranh. Do vậy, cần có chính sách hỗ trợ hợp lý để đảm bảo duy trì sản xuất của xe trong nước như bù đắp chênh lệch chi phí 10%-20%” - ông Hiếu nói. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm