Ồ ạt rút tiền khỏi Ngân hàng nhà nước

Ngân hàng nhà nước vừa có công điện yêu cầu tất cả các ngân hàng thương mại không được tăng lãi suất vượt quá mức 12%/năm. Nhưng với lãi suất trần 12%, trên thị trường vẫn hình thành hai “phe” tạo chênh lệch nhau rất lớn giữa các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng cổ phần thương mại. Nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước có lãi suất thấp hơn nên bị mất khách hàng trầm trọng.

Hút khách của nhau

Hầu hết các ngân hàng thương mại có mức siêu lãi suất vượt 12% như Techcombank, DongA Bank, Việt Á, ACB... đã điều chỉnh mức quy định. Một số ngân hàng thương mại nhà nước đang nắm giữ tới 70% thị phần vẫn chưa thể phản ứng kịp thời như Ngân hàng Công thương (Incombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank). Những ngân hàng này dù đã chuyển đổi sang cổ phần nhưng lãi suất vẫn chưa lên tới 9%/năm. Cá biệt có Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã phải áp dụng tăng lãi suất huy động vốn VND ở khu vực Hà Nội và TP.HCM lên mức cao nhất đối với kỳ hạn 12 tháng nhưng cũng chỉ dám nhích lên đến 10,5%/năm.

Trong ngày hôm qua, có mặt tại một số ngân hàng có lãi suất cao nhất hiện nay, chúng tôi nhận thấy lượng khách hàng có giảm hơn lúc cao điểm nhưng vẫn còn rất sôi động. Theo một nguồn tin, chỉ trong vòng hai tuần qua, hai ngân hàng thương mại Vietcombank và BIDV đã bị khách hàng rút ra khoảng 19.000 tỷ đồng để sang gửi ở ngân hàng cổ phần siêu lãi suất. Trong đó, BIDV hai tuần qua đã bị rút khoảng 8.000 tỷ đồng, còn Vietcombank bị rút mất hơn 11.000 tỷ đồng.

Chuyển sang đua khuyến mãi

Việc Ngân hàng nhà nước khống chế mức lãi suất trần 12%/năm đã chặn được bậc thang đua lãi suất nhưng khách hàng vẫn đua nhau đến gửi tiết kiệm ở các ngân hàng đang tung chiêu khuyến mãi. Số tiền gửi càng nhiều, khuyến mãi càng lớn. Gần đây nhất là ngân hàng A đã “nổ” phát súng đầu tiên với chương trình lãi suất tiết kiệm triệu phú áp dụng cho khách hàng gửi số tiền từ 110 triệu đồng trở lên. Rất nhiều ngân hàng khác cho biết cũng đang lên kế hoạch tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi lớn hấp dẫn hơn.

Trước tình trạng này, tại cuộc họp triển khai công điện của Thống đốc Ngân hàng nhà nước sáng ngày 27-2, ông Hồ Hữu Hạnh - Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết tất cả những biến tướng của việc chèo kéo khách hàng như thưởng bằng tiền lẫn các loại hàng hóa khác đều bị lập biên bản xử lý.

Theo ông Phan Hồ Trung Phong, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư liên minh Tây Thái Bình Dương, việc khống chế mức trần lãi suất 12% là đúng. “Với việc lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần tăng dữ dội như mấy ngày gần đây (có ngân hàng lãi suất huy động tăng lên 13,9%/năm) thì chắc chắn các khoản cho vay đầu ra lãi phải đội lên từ 14% đến 15%/năm. Điều này sẽ gây rất nhiều tác hại cho nền kinh tế, bởi các doanh nghiệp khi đi vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất, kinh doanh mà chịu mức lãi suất cao thì đương nhiên mức lãi suất này sẽ được tính vào giá hàng hóa. Giá cả tiêu dùng sẽ gia tăng. Do đó, tôi thấy việc Ngân hàng nhà nước có công điện yêu cầu các ngân hàng cổ phần đưa lãi suất huy động về mức 12%/năm là đúng. Sau công điện của các ngân hàng nhà nước, các ngân hàng xử lý ra sao với phần vốn huy động được do tăng lãi suất cao là việc họ phải tự tính”.

Ông Võ Song Toàn, Trưởng bộ môn luật, thuộc khoa giáo dục cơ bản, Đại học Ngân hàng TP.HCM:

Ngân hàng cho vay vượt mức 14%/năm - cho vay lãi nặng?

Nếu vừa qua các ngân hàng “hào hứng” tăng lãi suất tiền gửi đến hơn 13% thì khi cho vay lại, chí ít họ phải áp dụng lãi suất vượt mức 14%/năm. Mà như vậy thì họ đã vi phạm luật. Lãi suất cơ bản bằng tiền đồng của Ngân hàng nhà nước ấn định từ ngày 1-2-2008 là 8,75%/năm. Bộ luật Dân sự quy định: “Lãi suất cho vay do các bên tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố”. 150% của 8,75%/năm chỉ mới hơn 13,1%/năm. Do đó, trong trường hợp lỡ có hợp đồng cho vay nào đó gặp sự cố, phải đưa ra hầu tòa thì chắc tòa cũng áp dụng Điều 476 Bộ luật Dân sự để tuyên. Trong điều luật này có nêu rõ: “Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay...”. Ngân hàng sẽ bị “kẹt”, ấy là chưa kể có thể bị xem xét trách nhiệm vì cho vay lãi quá quy định.

MAI THẢO ghi

VŨ HƯNG - BÙI NHƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm