Nữ Chủ tịch PNJ từ bỏ bảo vệ luận án tiến sĩ ra sao?

Sáng nay 24-6, tại hội thảo trực tuyến "Phát triển kế thừa - Nghệ thuật hay kỹ thuật", bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chia sẻ: khi PNJ còn là đơn vị nhà nước, giữ vị trí giám đốc nhưng bà không nghĩ sẽ làm mãi công việc tại đây mà có kế hoạch muốn trở lại trường đại học làm giảng viên.

Vào thời điểm đó, bà vừa làm việc tại doanh nghiệp vừa theo học văn bằng tiến sĩ với mục tiêu sau khi hoàn tất sẽ trở thành giảng viên đại học để truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm và động lực cho thế hệ sau.

"Tôi đã báo cáo tổ chức ý định này và đồng thời cũng đã hoạch định người kế thừa vị trí của tôi. Tuy nhiên, có sự thay đổi buộc tôi phải dừng lại", bà Dung kể.

Khi PNJ tiến hành cổ phần hoá, những người được quy hoạch sẽ giữ vị trí lãnh đạo công ty đã đến gặp bà và nói công ty giờ chuyển sang mô hình mới, nếu bà vẫn giữ nguyên ý định xin không làm doanh nghiệp nữa thì họ cũng xin nghỉ luôn.

Những lời nói này đã khiến bà phải suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng bà Dung đã quyết định dừng lại việc học và tiếp tục ở lại vị trí tổng giám đốc điều hành doanh nghiệp.

"Thời điểm đó, tôi đã dừng lại việc bảo vệ luận án tiến sĩ dù đã hoàn thành xong luận án sau 5 năm học và nghiên cứu. Tôi cũng đã bị nhà trường phê bình nhiều vì bỏ nhiều thời gian nghiên cứu nghiêm túc mà không đi hết chặng đường cuối", bà Dung cho biết.

Đến thời điểm này, có lẽ bà Dung dù vẫn tiếc nuối nhưng thị trường cám ơn bà trước quyết định này bởi nhờ đó PNJ đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành đại gia hàng đầu trên thị trường trang sức.

Cụ thể trong suốt chặng đường dài kể từ khi cổ phần hoá PNJ luôn tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận, cũng như tạo dựng được thương hiệu mạnh.

Dưới sự dẫn dắt của bà Dung cùng các đồng sự, trong bối cảnh bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng năm 2020, PNJ vẫn đạt lãi ròng hơn 1.000 tỉ đồng. Bước sang năm 2021 công ty vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm