Nông sản Việt: Tốt vẫn bị "đè"

Nông sản Việt: Tốt vẫn bị "đè" ảnh 1
Nhiều nông sản Việt đang chịu ảnh hưởng không nhỏ của các nông sản nhập ngoại mà chủ yếu đến từ nước Trung Quốc
Ngụy trang tinh vi
 

Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), từ năm 2013 đến nay Cục này đã phát hiện 17 lô hàng gồm: Nho tươi, chanh tươi, hồng quả, cà rốt, táo, cam tươi, quýt tươi và củ cải trắng khoảng 300 tấn nhập khẩu vào Việt Nam không đảm bảo ATTP.

Đáng nói, toàn bộ số hàng này đã được tiêu thụ hết trên thị trường Việt Nam. Trong đó, mặt hàng quýt tươi có nhiều lô hàng bị nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhất (8 lô), cà rốt có 1 lô hàng bị phát hiện nhiễm dư lượng của 3 loại hóa chất BVTV, 1 lô hàng cam nhiễm dư lượng của 2 loại hóa chất BVTV.

Sau thông tin trên, các loại rau quả của Trung Quốc như chanh, cà rốt, nho, quýt, tỏi, dưa vàng, cải bắp, cà chua, cà rốt, khoai tây… vẫn ào ào tràn vào nước ta. Đây là một thực tế đã và đang diễn ra từ nhiều năm trở lại đây.

Tại chợ Long Biên (Hà Nội) - nơi bán buôn hoa quả lớn nhất miền Bắc, một tiểu thương cũng tiết lộ 90% hoa quả ở đây là hàng Trung Quốc. Hàng Việt Nam với vài loại quả chỉ đếm trên đầu ngón tay là: dưa hấu, bưởi, vú sữa, thanh long, măng cụt… Tất cả hàng hóa từ chợ Long Biên được xé lẻ đi tiêu thụ khắp nơi trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Đối tượng tiêu dùng phân thành hai nhóm, một nhóm biết rõ sản phẩm xuất xứ Trung Quốc nhưng vì giá rẻ nên vẫn lựa chọn. Theo một tiểu thương, thông thường giá nhập mặt hàng nông sản Trung Quốc rẻ hơn so với nông sản trong nước khoảng 30-50%, giá bán lẻ ngoài chợ vì thế cũng rẻ hơn, mặt hàng nào đắt lắm cũng chỉ bằng 2/3 giá của hàng nội. Những thượng đế ham của rẻ thông thường là những người có điều kiện kinh tế eo hẹp, những chủ quán cơm, nhà hàng cũng thường nhập loại rau củ quả Tàu để đạt lợi nhuận tối đa.

Ngoài một số ít người cố tình lựa chọn nông sản Trung Quốc vì giá rẻ còn rất nhiều người tiêu dùng không phân biệt được sự khác biệt giữa hai loại nông sản trong nước và nhập ngoại.

Dù mẫu mã và giá cả cạnh tranh hơn nhưng so với nông sản Việt, hàng Trung Quốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn do sử dụng chất cấm, dư lượng thuốc BVTV vượt quá chỉ số cho phép. Người tiêu dùng đã từng hoang mang trước thông tin gừng Trung Quốc nhiễm độc, hay Táo Fuji được bọc trong túi nilong có hóa chất độc hại…

Thời gian qua, cơ quan chức năng ra sức khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm an toàn. Các phương tiện truyền thông cũng tích cực đưa thông tin giúp người tiêu dùng phân biệt đâu là nông sản Trung Quốc và đâu là hàng trong nước. Nhiều người đã ý thức, giảm thiểu mua những sản phẩm được nhập nhiều từ Trung Quốc về.

Đi đường thẳng không xong, hàng Trung Quốc tìm cách lắt léo, qua mắt người tiêu dùng. Nông sản Trung Quốc tràn sang Việt Nam không chỉ đội lốt hàng Việt, bán với giá cạnh tranh mà còn được thổi giá lên cao do công nghệ gắn mác ngoại như giả sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan, Mỹ, Úc. Hiện tượng này diễn ra chủ yếu với hoa quả. Nếu không tinh ý người tiêu dùng rất dễ mua phải dưa lưới, nho Mỹ xoài, me Thái, cam Úc nhưng thực chất có xuất xứ Trung Quốc.

Thông quan: Thoáng hay buông lỏng?

Những năm gần đây, mặc dù Bộ NN&PTNT rất quan tâm đến công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thường xuyên nhắc nhở các cơ quan chuyên môn phải tăng cường quản lý, lưu tâm đến các sản phẩm có nguy cơ độc hại cao để tạo sự chuyển biến trong quản lý chất lượng nông sản nhưng thực tế sự kiểm soát của cơ quan chức năng vẫn như muối bỏ bể. Nông sản mất an toàn vẫn lọt lưới lực lượng chức năng để ngang nhiên, chễm trệ trên bàn ăn của nhiều gia đình.

Đại diện Cục BVTV cho biết, hiện thuế suất rau quả Trung Quốc nhập vào Việt Nam đều ở mức 0% nên không như nhiều sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc khác thường chui lủi qua đường mòn lối mở để tránh thuế, nông sản Trung Quốc hàng ngày vẫn đàng hoàng qua đường chính ngạch để vào Việt Nam.

Nhiều người đặt dấu hỏi, tại sao qua cửa chính ngạch mà nông sản kém chất lượng vẫn chẳng hề hấn gì?

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục Trưởng Cục BVTV thừa nhận, vấn đề là ở chỗ, chính sách thông thoáng của ta để lô hàng được thông quan khi chưa biết kết quả kiểm tra để tránh gây ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu đang tạo một lỗ hổng lớn cho nông sản kém chất lượng lọt lưới. Quy trình kiểm soát của chúng ta cũng có vấn đề, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 đã được trang bị 50 bộ Kit nhanh để kiểm tra tại chỗ chất lượng rau củ quả nhập khẩu qua đây.

Tuy vậy, bộ Kit này cũng chỉ kiểm tra được khoảng 30% các hoạt chất thuốc BVTV trong danh mục. Một số hoạt chất không thể kiểm tra bằng bộ Kit được gửi mẫu về các Trung tâm kiểm nghiệm tại Hà Nội, công đoạn này cũng mất từ 7-10 ngày. Như vậy từ lúc mẫu được gửi đi đến khi có kết quả, lô hàng đã được lưu thông khắp nơi và được người mua tiêu dùng sạch.

Biết rằng, thông thoáng trong thông quan để thúc đẩy giao thương là cần thiết song chính sách thông thoáng như hiện nay đang đồng nghĩa với việc quản lý bị buông lỏng. Chỉ khi công tác này được làm tốt tại các cửa khẩu mới hy vọng phần nào nông sản Trung Quốc không còn nhiều cơ hội "đè bẹp" hàng Việt Nam.

Theo THU HƯỜNG/TBKD

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm