Nông sản đang 'nước sôi lửa bỏng', Bộ trưởng có công văn khẩn

Để tháo gỡ hàng nghìn container nông sản đang ùn tắc ở cửa khẩu biên giới phía bắc và lượng nông sản rất lớn đang vào vụ thu hoạch cần tiêu thụ tại các địa phương, ngày 7-1, Bộ NN&PTNT liên tiếp ban hành nhiều văn bản gửi các bộ, ngành và địa phương đề nghị cùng vào cuộc.

Trong văn bản số 110 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá những khó khăn trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc dự kiến sẽ còn kéo dài.

Do đó, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát năng lực, nhu cầu của các cơ sở kinh doanh, chế biến nông sản. Đồng thời tổ chức kết nối tiêu thụ nội địa giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất với doanh nghiệp thu mua, cơ sở chế biến, hệ thống phân phối.

Doanh nghiệp phun khử khuẩn thùng đựng thanh long để tránh virus Sars-CoV-2 trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: Minh Phương

"Các tỉnh có thể tổ chức kết nối tiêu thụ thông qua các diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản, như diễn đàn kết nối nông sản 970 của Bộ NN&PTNT" - Bộ trưởng gợi ý.

Ngoài những giải pháp trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị, khuyến khích các doanh nghiệp tại địa phương thực hiện mạnh mẽ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các tỉnh theo dõi, dự báo và lập kế hoạch sản xuất tiêu thụ, nhất là tình hình trước và sau Tết Nguyên đán nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, phục vụ nhu cầu tại chỗ và nhu cầu tiêu thụ nội địa liên vùng.

Về vấn đề logistics, Bộ trưởng NN&PTNT đề nghị các tỉnh chỉ đạo việc quy hoạch, xây dựng các trung tâm logistics nông sản, hệ thống kho lạnh gắn với vùng nguyên liệu để phân loại, sơ chế, bảo quản nông sản. Xây dựng phương án tổng thể chế biến nông sản theo từng mùa vụ, đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương.

Ngoài thúc đẩy tiêu thụ nội địa, cùng ngày, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị phối hợp giải quyết vướng mắc trong vận tải biển và ưu tiên container lạnh phục vụ xuất khẩu nông sản.

Trong văn bản này, Bộ NN&PTNT phản ánh tình trạng giá cước vận tải biển tăng quá cao, lên đến 400-500%, cùng với đó là tình trạng thiếu container phục vụ vận tải xuất khẩu.

Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu bằng đường bộ bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu thông qua đường biển, đường sắt, tuy nhiên lại gặp vướng mắc thiếu container lạnh đã tác động lớn đến sự chuyển hướng xuất khẩu nói trên.

Để tháo gỡ, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ làm việc với các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển tại Việt Nam để tìm giải pháp cho vấn đề này.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện tại nhiều mặt hàng nông sản đã đến mùa vụ thu hoạch. Riêng mặt hàng thanh long, có khoảng 300 nghìn tấn cần tiêu thụ trong ba tháng đầu năm 2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm