Nói 'Việt Nam làm không nổi cái ốc vít' đã...xưa rồi diễm

Dịch COVID-19 đã gây ra nhiều xáo trộn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong "nguy" có "cơ", các hiệp hội, các doanh nghiệp (DN) của ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã đồng loạt chỉ ra nhiều tiềm năng và cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu này.

Người mua toàn cầu đang hướng đến Việt Nam

Trao đổi với PLO, đại diện Công ty Cổ phần Metect, chuyên sản xuất các máy hàn cắt kim loại, thiết bị bán tải nâng hạ để phục vụ cho các ngành công nghiệp, cho biết năm 2020 doanh số của công ty cũng sụt giảm do tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, mạng lưới khách hàng của công ty lại mở rộng hơn nhiều so với trước.

Chưa bao giờ ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam lại được nhiều người mua hàng nước ngoài săn đón, tìm kiếm như hiện nay. Ảnh: AN HIỀN

"Trước đây, các DN nước ngoài vẫn quen đặt hàng với các đối tác ở Trung Quốc, nhưng từ khi dịch COVID-19 xảy ra, họ đã hướng vào Việt Nam. Nhiều công ty ở Hà Lan và các nước đã tìm đến DN của chúng tôi để đặt hàng. Thậm chí, có lúc chúng tôi phải cân nhắc để lựa chọn có nhận đơn hàng hay không vì còn phụ thuộc và nguồn nguyên liệu và giá cả" - đại diện của DN cho biết.

Tại hội thảo "Cơ hội và thách thức khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu" do Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 10-12, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cũng cho biết sau COVID-19 và dưới tác động của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), những người mua xuất hiện trên thị trường vô cùng nhiều.

Những người mua này có thể đầu tư sản xuất tại Việt Nam, đầu tư sản xuất tại Trung Quốc hoặc nước khác nhưng họ sang Việt Nam để tìm nhà cung cấp thay thế cho một phần nguồn nguyên liệu của thị trường Trung Quốc.

Ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Công ty TNHH kỹ thuật Nam Hải, nhận xét hiện câu nói Việt Nam không thể sản xuất ra con ốc vít không còn chính xác. DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã làm được rất nhiều. Vấn đề là sản lượng, nhu cầu thị trường có đủ lớn để doanh nghiệp sản xuất hay không.

Thấp thỏm dọn ổ chờ đại bàng

Tại sao với thị trường nhiều tiềm năng như thế mà số DN công nghiệp hỗ trợ lại tăng rất chậm?

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VASI cho rằng trở ngại của DN Việt là thiếu năng lực, thiếu tiêu chuẩn mà người mua yêu cầu và không đáp ứng được giá theo yêu cầu.

Nguyên nhân là do chi phí đầu vào của DN Việt Nam rất cao. Chi phí cao do thuế phí của Việt Nam cao, lãi vay ngân hàng cao, hầu hết nguyên vật liệu đầu vào phải nhập khẩu, chi phí phát sinh không chính thức cao...

“Các nước trên thế giới cũng phải nhập vật liệu, Trung Quốc cũng phải nhập, nhưng họ nhập số lượng lớn hơn nên giá sẽ thấp hơn một. Ngoài ra môi trường, thuế phí của họ cũng tốt hơn rất nhiều” – bà Bình cho biết.

 Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần liên kết, phối hợp với nhau để cùng ra một sản phẩm hoàn chỉnh sẽ cạnh tranh hơn nhiều về giá cả và sản xuất. Ảnh minh họa: AN HIỀN

Cạnh đó, bản thân các DN Việt sản xuất vẫn chưa tinh gọn, sai hỏng vẫn nhiều và thậm chí cách tính giá cũng không chính xác, đôi khi làm chi phí bị đội lên, nhất là khi gặp khách hàng đi mua dạo thì cách tính giá đó bị loại ngay lập tức.

Vấn đề nữa là quy mô của DN Việt khó đáp ứng về sản lượng. Về sản phẩm, chủ yếu là linh kiện rời. Cuối cùng là vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh.

“Chính phủ, Cục Công nghiệp phải vào cuộc. DN Việt cũng không dám đầu tư lớn với môi trường kinh doanh như thế này. Họ cũng thiếu thông tin về xu thế công nghệ. Chính phủ luôn nói dọn ổ cho đại bàng, nhưng đại bàng vào đây sẽ tranh nhau với chúng ta về nguồn lực mà chúng ta có sẵn” – Tổng thư ký VASI cho biết.

Tổng thư ký VASI cũng cho rằng DN cần cắt giảm chi phí, quản trị tinh gọn và được tiếp cận tín dụng tốt hơn, giảm thủ tục hành chính và chi phí không chính thức, thêm nhiều DN công nghiệp hỗ trợ bổ sung cho các công đoạn thiếu. Đồng thời tăng năng lực thương mại và kết nối; hình thành các cụm DN sản xuất cụm công nghiệp hoàn chỉnh, tăng quy mô DN.

Ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Công ty TNHH kỹ thuật Nam Hải, cho rằng cần có sự tin tưởng của các nhà mua hàng trong nước đối với các DN Việt Nam. Đồng thời Nhà nước cần hỗ trợ cho DN từ những vấn đề đơn giản nhất như tạo môi trường thông thoáng, có hỗ trợ cụ thể về cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp để các ngành công nghiệp hỗ trợ tập trung trong một khu, dễ dàng liên kết, phối hợp với nhau để cùng ra một sản phẩm, cạnh tranh hơn về giá cả và sản xuất.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Samsung tổ hợp Việt Nam cũng đánh giá, DN Việt Nam tuy nhỏ nhưng nếu hợp tác, liên kết với nhau thì sẽ mạnh và có lợi thế hơn nhiều so với các DN nước ngoài. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm