Nỗi lo 'người đẹp' bia Sài Gòn có nhiều đại gia dạm ngõ

Sau nhiều lần rậm rịch và đề xuất thoái vốn theo nhiều tỉ lệ khác nhau, cuối tháng 11 vừa rồi, Bộ Công Thương đã chính thức công bố phương án chào bán 343.662.587 cổ phần của Nhà nước tại Sabeco, tương ứng 53,59% vốn điều lệ với giá khởi điểm chào bán cổ phiếu Sabeco là 320.000 đồng.

Cuộc đấu giá này đã nhận được sự quan tâm của nhiều hãng bia và quỹ đầu tư quốc tế.

Theo Reuters, có khoảng 85 nhà đầu tư đã tham gia các buổi giới thiệu cơ hội đầu tư (roadshow) của Sabeco và gặp gỡ riêng tại Singapore và London, trong đó có AB Inbev, Asahi và Kirin.

Cuộc đua giành cổ phần chiến lược tại Sabeco hẳn sẽ khốc liệt. Từ trước đó, đã có hàng chục hãng bia nước ngoài ngỏ ý quan tâm đến việc mua cổ phần tại Sabeco khi Chính phủ Việt Nam thoái vốn. Trong đó có cả các “ông lớn” khác như Kirin, ThaiBev, Heineken (hiện nắm gần 5% vốn tại Sabeco), AB InBev, San Miguel, và SABMiller…

Lo ngại “mất trắng” thị trường bia

Vốn được đánh giá là một trong số hiếm hoi những thương hiệu Việt có khả năng làm đối trọng với các đại gia bia nước ngoài đang tìm mọi cách bành trướng quy mô tại Việt Nam nên trong quá trình thoái vốn Sabeco, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại, nếu Sabeco rơi vào doanh nghiệp ngoại thì cũng đồng nghĩa với thị trường bia Việt Nam mất trắng vào tay nước ngoài.

Chia sẻ với báo giới trước đó, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, từng cho rằng giả sử để cho nước ngoài kiểm soát sẽ rất có thể dẫn tới thất thoát tài sản công. Họ còn có thể chuyển giá khi liên kết với các công ty ở nước ngoài trong hệ thống. Cho nên, nếu thực hiện thoái vốn không khéo sẽ rơi vào tình huống bán rẻ mà còn không thu được thuế.

Cuộc đua giành cổ phần chiến lược tại Sabeco hẳn sẽ khốc liệt. Từ trước đó, đã có hàng chục hãng bia nước ngoài ngỏ ý quan tâm đến việc mua cổ phần tại Sabeco khi Chính phủ Việt Nam thoái vốn.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng phải ưu tiên bán cho các doanh nghiệp Việt có tiềm lực. Ngoài ra, cũng phải lưu ý trường hợp doanh nghiệp nước ngoài lách để cho một doanh nghiệp Việt khác đứng mua.

Nhiều trường hợp doanh nghiệp đổ tiền đầu tư rất lớn nhưng không thể lý giải về nguồn vốn từ đâu ra, có thể có “ai đó” ẩn ở phía sau để tiến hành mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước. Đến một ngày nào đó, doanh nghiệp này biến đi và trở thành một doanh nghiệp ngoại hoàn toàn.

Thậm chí nhiều chuyên gia còn dẫn trường hợp Habeco như một “bài học đắt giá” trong việc chọn cổ đông chiến lược. Thời điểm Habeco muốn tìm cổ đông chiến lược, hàng loạt tên tuổi đã đua nhau đưa ra các điều kiện, những cam kết muốn “ăn ở” lâu dài với Habeco, trong đó có Carlsberg (Đan Mạch).

Sau nhiều năm hợp tác, lãnh đạo Habeco từng trải lòng: “Sau 5 năm bắt tay, Carlsberg đã không thực hiện được những cam kết. Điều rủi ro và gây khó khăn cho chúng tôi hiện nay là họ tham gia HĐQT và nắm rõ hết chiến lược phát triển của Habeco, cách phát triển thị trường, kênh phân phối".

Phép thử cho Luật Cạnh tranh

Đây có lẽ cũng là một phép thử cho khả năng thực thi Luật Cạnh tranh của cơ quan quản lý trực tiếp vấn đề này. Với giả thiết, nếu một trong các doanh nghiệp ngoại ở trên muốn trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco, công ty hiện nắm giữ trên dưới 40% thị phần ngành bia, các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế (TTKT) theo Luật Cạnh tranh sẽ được kích hoạt, và các bên tham gia thương vụ sẽ phải nộp hồ sơ thông báo TTKT lên Bộ Công Thương.

Với số lượng cổ phần của Sabeco được bán ra có thể lên tới 53,59% vốn điều lệ, cho phép nhà đầu tư kiểm soát toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này. 

Thậm chí kể cả khi mua được số lượng cổ phần ở mức trên 25% hay trên 35%, theo Luật Doanh nghiệp, nhà đầu tư đã có quyền chi phối đáng kể hoạt động của doanh nghiệp với quyền phủ quyết các quyết định quan trọng về phê duyệt phương án kinh doanh hay bán tài sản.

Đơn cử như nếu bên mua trong thương vụ thoái vốn Sabeco là Heineken, doanh nghiệp lớn thứ hai thị trường, hiện nắm tới 32% thị phần ngành bia. Nếu kết hợp lại, thị phần chung của hai doanh nghiệp này sẽ lên tới 75%, hay 3/4 sản lượng bia toàn quốc.

Hay ví dụ trường hợp AB-Inbev cho biết hãng bia này hiện đang có một nhà máy bia công suất 50 triệu lít tại Việt Nam và với giả thiết, nếu thâu tóm được Sabeco thì sẽ trở thành một trong những hãng bia lớn nhất ở Việt Nam.

Do vậy, tại các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, yêu cầu kiểm soát TTKT giữa các doanh nghiệp lớn cùng ngành nghề là rất cần thiết để ngăn chặn xu thế độc quyền hóa, bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh và lợi ích người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy khi hai hãng bia số 1 và số 2 thế giới sát nhập với nhau thì tại rất nhiều thị trường mà ở đó Luật Cạnh tranh đi vào đời sống, các hãng bia này đã phải đối mặt với một số yêu cầu nghiêm khắc về việc thực hiện đúng các quy định cạnh tranh bao gồm cả việc bán bớt tài sản hoặc chia tách.

 Bộ Công Thương đã chính thức công bố phương án chào bán 343.662.587 cổ phần của Nhà nước tại Sabeco, giá khởi điểm chào bán cổ phiếu Sabeco là 320.000 đồng.

Giải pháp nào?

Những câu chuyện của Habeco hay những lo ngại từ giới chuyên môn rất có thể lặp lại với Sabeco. Vậy cần có phép giải nào để đảm bảo quá trình thoái vốn được diễn ra công khai, minh bạch và tránh được những nguy cơ này?

Một trong những điểm đáng lưu ý trong đấu giá cổ phần Sabeco chính là quy định: Trường hợp tham gia chào bán cạnh tranh, nhà đầu tư không phải thực hiện theo các quy định về chào mua công khai khi có ý định mua đạt hoặc vượt các tỉ lệ sở hữu phải chào mua công khai quy định tại Luật Chứng khoán.

Tuy nhiên, nhà đầu tư có nhu cầu đặt mua với khối lượng đạt hoặc vượt các tỉ lệ sở hữu phải chào mua công khai 25% phải thực hiện báo cáo ban tổ chức chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước ngày tổ chức chào bán 7 ngày về số lượng cổ phần dự kiến mua.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng phải thực hiện các quy định về thông báo tập trung kinh tế cho Bộ Công Thương trước, khi nhà đầu tư là tổ chức cùng ngành với Sabeco. Bộ Công Thương cũng sẽ phải báo cáo Chính phủ việc vượt các thị phần kết hợp trên thị trường bia của nhà đầu tư và Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định cuối cùng.

Theo giới chuyên gia phân tích, việc yêu cầu nhà đầu tư mua lô lớn phải công bố thông tin số lượng cổ phần dự kiến mua trước ngày tổ chức chào bán 7 ngày, giúp các nhà đầu tư nhỏ nắm bắt được tình hình và chủ động trong kế hoạch tham gia mua cạnh tranh.

Bên cạnh đó, việc gián tiếp quy định khi yêu cầu nhà đầu tư cung cấp thông tin về số lượng, tỉ lệ cổ phiếu dự kiến nắm giữ của không chỉ nhà đầu tư mà của cả người có liên quan cũng phù hợp với các quy định pháp luật chứng khoán, tránh việc nhà đầu tư né nghĩa vụ công khai thông tin.

Trên thị trường bia, Sabeco là thương hiệu Việt đang chiếm khoảng hơn 40% thị phần bia tại Việt Nam, với vị thế áp đảo ở miền Nam và đang vươn “vòi bạch tuộc” ra miền Bắc, vốn được coi là địa bàn truyền thống của Habeco.

Riêng trong 9 tháng đầu năm 2017, Sabeco đạt doanh thu thuần 23.698 tỉ đồng - tăng 9%; lợi nhuận sau thuế 3.718 tỉ đồng – tăng 2% so với cùng kỳ 2016. So với kế hoạch lãi sau thuế 4.454 tỉ đồng đặt ra trong năm 2017 thì Sabeco hiện đã hoàn thành 83% chỉ tiêu đề ra. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm