Nở rộ hàng 'Made in Vietnam' được sản xuất ở... Trung Quốc

Thông tin trên được ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, cho biết tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại do Tổng cục Hải quan tổ chức sáng 14-11 tại Hà Nội.

Ông Tuấn cho biết theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, có một số nhóm mặt hàng có mức tăng trưởng đột biến trong sáu tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái. Những mặt hàng này có nguy cơ gian lận cao về nguồn gốc xuất xứ, phải đưa vào diện giám sát chặt chẽ.

 Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: AH


Đó là các mặt hàng về máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện, nhôm và các sản phẩm từ nhôm, sắt thép, xe đạp, gỗ, dệt may, da giày, giấy, đinh vít...

"Năm 2019, Tổng cục Hải quan đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến gian lận về nguồn gốc xuất xứ. Như vào tháng 10-2019, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I đã phát hiện, bắt giữ lô hàng của một công ty. Theo khai báo là hàng quần áo nam nữ xuất xứ Trung Quốc. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra thì ngoài một số mặt hàng quần áo ghi xuất xứ Trung Quốc và không thể hiện xuất xứ thì có 3.000 quần áo trên tem/mác thể hiện Made in Korea và 50 kg tem/mác rời bằng giấy vải thể hiện chữ Hàn Quốc, ghi Made in Korea" - ông Tuấn cho hay.

Hay đối với trường hợp xuất khẩu cáp từ Việt Nam của một doanh nghiệp tại TP.HCM đã bị Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực IV phát hiện vào tháng 8-2019. Hàng hóa được doanh nghiệp tạm nhập từ Trung Quốc, tái xuất sang Mỹ theo phương thức kinh doanh tạm nhập tái xuất. Theo khai báo hàng là cáp Internet Coaxial Cable, Video Cable tám sợi làm từ sợi đồng nguyên chất... và cáp Internet Network Cable. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế thì lô hàng trên là các sợi cáp mang hiệu Monster, trên bao bì sản phẩm có in sẵn dòng chữ "Made in Vietnam".

Ông Tuấn cho biết qua kiểm tra, phát hiện cho thấy có nhiều phương thức, thủ đoạn để gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa nước ngoài để tiêu thụ tại Việt Nam.

Đó là hàng hóa khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ Made in Vietnam hoặc trên sản phẩm/bao bì, phiếu bảo hành đều ghi bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ, trụ sở tại Việt Nam. Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa trên bao bì/sản phẩm được ghi sản xuất tại nước ngoài như Made in China nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa lại thay nhãn mới Made in Vietnam.

"Họ thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam nhằm đánh lừa người tiêu dùng để tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu" - ông Tuấn thông tin.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn sử dụng một số thủ đoạn khác như hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ nước ngoài, khi đưa về xưởng thì thay đổi nhãn hàng hóa có xuất xứ Việt Nam hoặc hợp thức hóa hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của các nước...

Từ những trường hợp trên, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, kiến nghị cần phải rà soát các giao dịch, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để phân tích, quyết định kiểm tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm.

Đồng thời, Bộ Tài chính cần chủ động trao đổi với Hải quan Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, đại sứ quán các nước tại Việt Nam... để kịp thời thu thập thông tin  liên quan đến số liệu thống kê mặt hàng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào các nước này và ngược lại; danh sách mặt hàng áp thuế chống bán phá giá đối với các nước và dự báo khả năng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm