Những thông tư trật chìa làm khổ người kinh doanh

Những ngày vừa qua, Pháp Luật TP.HCM và nhiều cơ quan báo chí, chuyên gia đã đề cập đến hướng dẫn thuế cho thuê tài sản đối với hợp đồng thuê nhà trong Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 1-8 tới đây.

Một số quy định về thuế vẫn còn khó hiểu và khó áp dụng với người dân
lẫn DN.  Trong ảnh: Người dân làm thủ tục về thuế. Ảnh: H.GIANG

Suýt bị tận thu thuế oan

Vấn đề sẽ không có gì phải bàn nếu một số ví dụ mà Thông tư 40/2021 nêu tuân thủ theo đúng quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và Luật Thuế thu nhập cá nhân. Đó là cá nhân, hộ kinh doanh có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT.

Thế nhưng thông tư lại đưa ra ví dụ cho rằng cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu cho thuê nhà dưới 100 triệu đồng/năm trở xuống vẫn phải nộp thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân. Quy định này có thể đẩy hàng vạn người đang cho thuê nhà vào tình trạng phải nộp thuế oan, bị truy thu thuế oan.

Luật sư Trương Thanh Đức nhận định: “Thông tư quy định như vậy là trái luật, gây khó khăn, thiệt hại cho người nộp thuế. Kiểu quy định nắm đằng chuôi và tận thu, dễ do cơ quan quản lý, khó cho người dân”.

Sau khi vấp phải ý kiến phản đối từ nhiều phía, Tổng cục Thuế mấy lần ban hành thông báo giải thích rõ lại. Cuối cùng, Bộ Tài chính phải phát thông báo khẳng định rằng: Cho thuê nhà mà doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì không phải nộp thuế.

Mới đây nhất, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), khẳng định rằng ví dụ trong Thông tư 40 nêu trên là không thống nhất với nội dung khác của chính thông tư này, không phù hợp với quy định của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế thu nhập cá nhân. Chính vì vậy, cơ quan này đã có ý kiến và làm việc với Tổng cục Thuế, Vụ Pháp chế của Bộ Tài chính. Đồng thời xem xét đề nghị Bộ Tài chính xử lý theo quy định.

Như vậy, có thể coi câu chuyện thuế cho thuê nhà ở Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính đã kết thúc có hậu. Người cho thuê nhà không bị tận thu, không bị gây khó.

Đùng một cái làm khổ nhà kinh doanh

Nhưng không phải thông tư nào cũng có kết thúc nhanh và có hậu như vậy với những điều chưa phù hợp. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nói có những thông tư còn quy định cả những vấn đề không có trong luật. Chẳng hạn, có thông tư quy định phải ghi mã số mã vạch trên sản phẩm trong khi Luật Chất lượng hàng hóa không quy định.

“Có thông tư của Bộ NN&PTNT khiến cho tôm đông lạnh nếu xuất khẩu thì do đơn vị an toàn thực phẩm quản, nếu nhập khẩu thì lại do một đơn vị về… kiểm dịch thú y quản. Chúng tôi hay nói vui, tôm động lạnh đi từ trái sang phải thì một tên, đi từ phải sang trái lại tên khác” - ông Nam dẫn chứng.

Bà Trần Ngọc Ánh, đại diện Công ty Abbott, kể có thông tư quy định về hóa chất, về các sản phẩm tái chế…, các doanh nghiệp (DN) được lấy ý kiến trước khi ban hành nhưng thực tế thì cũng chỉ lấy ý kiến hình thức thôi. Lấy ý kiến xong rồi cứ ban hành, rồi lại khó thực hiện.

“Khi dự thảo cuối cùng và thông tư ban hành rồi DN mới đùng một cái phát hiện ra ý kiến không được tiếp thu” - bà Ánh nói và đề nghị có cơ chế để DN có thể biết được ý kiến của mình được tiếp thu ra sao.

Đại diện một tập đoàn có nhánh kinh doanh về giáo dục cũng cho hay: Có thông tư của Bộ GD&ĐT không quy định thời hạn hoạt động của các cơ sở giáo dục tư thục, do vậy các sở giáo dục ở các tỉnh cấp phép hoạt động có thời hạn khác nhau. Việc không thống nhất này ảnh hưởng tới việc xin giấy phép lao động cho người nước ngoài, chi phí rất cao.

Phi lý thông tư có giá trị cao hơn luật

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nêu ra nghịch lý là có thông tư hoặc văn bản hướng dẫn thậm chí còn có hiệu lực cao hơn cả luật và nghị định, dù trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thông tư được xếp ở vị trí cuối cùng. Còn công văn, dĩ nhiên không nằm trong hệ thống ấy. Nhưng cả thông tư và công văn lại gây ra những phiền hà cho DN rất nhiều.

Ông Tuấn dẫn chứng trong luật quy định thông tư không được ban hành điều kiện kinh doanh nhưng thực tế tình trạng này vẫn còn. Chẳng hạn, Thông tư 03/2018 của Ngân hàng Nhà nước quy định về điều kiện cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, thủ tục cấp các loại giấy phép xuất khẩu trong hoạt động kinh doanh vàng.

“Có tình trạng thông tư không thống nhất với nghị định, như Thông tư 02/2021 của Bộ GTVT quy định về việc lắp camera phải theo dõi được khoang hành khách, trong khi Nghị định 10/2020 lại không yêu cầu về vấn đề này” - ông Tuấn dẫn chứng.

Có thông tư còn quy định thiếu rõ ràng, tạo cách hiểu không nhất quán. “Ví dụ, Thông tư 21/2018 của Bộ GD&ĐT đưa ra định nghĩa về giáo viên của trung tâm ngoại ngữ, trong đó có sử dụng khái niệm người bản ngữ nhưng không giải thích thêm về khái niệm này nên không biết thực hiện thế nào” - ông Tuấn cho hay.

10 năm không thấy hồi âm

Cũng chính vì nhiều điều không rõ ràng nên DN và địa phương còn phải phát công văn lên hỏi các bộ, ngành. Thời gian trả lời lâu và đôi khi công văn trả lời còn làm cho tình hình phức tạp hơn, khó hiểu hơn.

“VCCI nhận được nhiều kêu cứu, kêu oan của DN trong áp dụng pháp luật, công văn hướng dẫn không nhất quán. Thậm chí trong các thư phản ánh về VCCI, có trường hợp DN nói đã gửi công văn cho một bộ yêu cầu giải đáp thắc mắc nhưng… 10 năm rồi không thấy trả lời. Chờ đợi nhiều năm thành ra dự án phải đình trệ và ách tắc không được giải quyết. Nhiều nhà kinh doanh rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười” - ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Hoài Nam đề nghị cần phải có chế tài đối với các công chức, cơ quan quản lý nhà nước nếu ban hành thông tư, công văn sai với luật hoặc làm chậm chễ quá trình thi hành pháp luật, phương hại đến quyền lợi của DN.

“Người dân, DN sai thì bị xử lý kinh lắm nhưng chế tài cho cán bộ, công chức mỗi khi làm sai thì rất ít. Tôi chưa thấy ai bị kỷ luật trong khi các quy định của pháp luật đã có” - ông Nam nói.•

Khổ vì quá nhiều… kính chuyển

Ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính, đánh giá rằng chất lượng soạn thảo văn bản thấp, không đạt yêu cầu một phần là do chuyện “kính chuyển” quá nhiều.

Cụ thể là phải qua sáu cái kính chuyển mới đến người soạn thảo. Bộ trưởng kính chuyển thứ trưởng, thứ trưởng kính chuyển vụ trưởng, vụ trưởng kính chuyển vụ phó, vụ phó kính chuyển trưởng phòng, trưởng phòng kính chuyển phó phòng, phó phòng kính chuyển chuyên viên.

“Chuyên viên có khi mới ra trường được vài năm thì làm sao đảm bảo được chất lượng văn bản? Chuyên viên sẽ copy và dán tất cả những gì cũ vào” - ông Hòe đặt vấn đề.

Những thông tư trật chìa làm khổ người kinh doanh ảnh 2
Tôm, cá đông lạnh cũng từng “khổ” vì các quy định đá nhau. Ảnh: QH

“Không có chế tài bộ trưởng”

Bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khi bàn về vấn đề chế tài cho các thông tư nếu phương hại đến lợi ích của DN cho rằng: Thông tư được bộ trưởng ban hành nhưng không có chế tài cho bộ trưởng. Cơ chế khởi kiện yêu cầu người ban hành văn bản sai bồi thường cũng khó thực hiện.

“Một số DN chia sẻ nếu họ kiện Nhà nước thì họ sẽ thua. Không hẳn là thua một vụ kiện mà thua cả một quá trình. Bởi khi kinh doanh, DN phải làm việc với nhiều cơ quan nhà nước” - ông Thảo nói.

Luật sư Trương Thanh Đức nói: Đúng là có tình trạng thông tư có khác với luật, nghị định. Nhưng riêng việc khác đã không chấp nhận được rồi, chưa nói tới các quy định trái luật ở trong các thông tư. Thông tư có hiệu lực như thế khiến cho luật không sống được, mà là luật chết.

Theo luật sư Đức, Nhà nước phải tuân thủ chính điều mình đặt ra trước khi yêu cầu công dân phải tuân thủ luật. Bởi Hiến pháp năm 2013 đã nói quyền của công dân chỉ có thể hạn chế bằng luật.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm