Những điểm mới quan trọng của Luật Doanh nghiệp 2014

Thuyết trình trước CLB Luật sư Trẻ (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) ngày 28-6, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ kế hoạch và Đầu tư) cho biết sau ngày 1-7, Luật Doanh nghiệp 2014 (LDN) sẽ được áp dụng, có nhiều điểm mới và là hành lang pháp lý cho doanh nghiệp.

Được tự do kinh doanh ngành nghề pháp luật không cấm

Luật DN cũ quy định Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp (GCNĐKDN) phải ghi đầy đủ các ngành nghề kinh doanh. Nghĩa là DN phải kinh doanh đúng những ngành nghề đã đăng kí, nếu kinh doanh sai sẽ bị xử lý, thậm chí là xử lý hình sự.

Theo ông Hiếu, GCNĐKDN không khác gì Giấy phép kinh doanh, hạn chế sự tự do của doanh nghiệp, tạo rủi ro lớn. Luật DN 2014 quy định GCNĐKDN không ghi ngành nghề kinh doanh cụ thể, DN được tự do đăng kí ngành nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm. Từ đó, giảm sự rủi ro, tăng độ nhanh nhạy cho DN.

Sau 1-7, DN quyết định ngành nghề rồi tiến hành kinh doanh, khi có thay đổi, chỉ cần có thông báo thay đổi ngành nghề trong vòng 10 ngày. Quy định này sẽ vô hiệu hành vi kinh doanh trái phép, chỉ còn vi phạm hành chính trường trường hợp không thông báo đúng theo thời gian quy định.

Sau 1-7, có 6 ngành nghề bị cấm, 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngoài ra còn có các ngành nghề chưa có quy định, tạm gọi là ngành nghề “tự do”.

GCNĐKDN sẽ như “giấy khai sinh” DN, có tác dụng “khai sinh” chứ không phải là Giấy phép kinh doanh. Giấy này sẽ được cấp bằng điện tử, hoặc bản cứng (doanh nghiệp phải chịu chi phí) nhằm tránh tốn kém, có mã số cho từng doanh nghiệp.

Ngoài ra, LDN mới cũng sẽ bãi bỏ quy định yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề và xác định vốn pháp định. Áp dụng thống nhất thủ tục ĐKDN đối với nhà đầu tư trong nước cũng như ngoài nước.

Con dấu hình thù nào cũng được

LDN mới sẽ thay đổi phương thức quản lý, thủ tục làm và đăng kí mẫu dấu, yêu cầu phải công khai thông tin về mẫu dấu. Theo đó, DN sẽ có quyền tự quyết định số lượng, hình thức, nội dung, quản lý và sử dụng con dấu.

Con dấu hình tam giác, tứ giác hay lục giác, to hay nhỏ, hình dạng khác thường đều được coi là hợp pháp, chỉ cần đảm bảo có tên và mã số của doanh nghiệp, không sử dụng từ ngữ, hình ảnh gồm quốc huy, quốc kì, Đảng kì, cơ quan nhà nước,… vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, mĩ tục.

Ông Hiếu cho rằng quy định này có tác dụng làm cho con dấu mất đi giá trị “tín ngưỡng”, chỉ còn là một hình ảnh thông thường, có ý nghĩa như một logo của DN.

Không cần ban kiểm soát

Luật DN mới sẽ cho phép DN lựa chọn mô hình quản trị phù hợp, không cần phải có Ban kiểm soát như trước đây. Ngoài ra, trong Hội đồng quản trị, sẽ có 1/5 người là thành viên độc lập.

Cổ đông hoàn toàn có thể trực tiếp khởi kiện người quản lý mà không cần thông qua Ban kiểm soát, mọi chi phí sẽ được công ty bồi hoàn nếu thắng kiện.

Đặc biệt, luật DN mới tăng cường giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, trong đó quy định các DN xã hội phải dành ra tối thiểu 51% lợi nhuận là để tái đầu tư.

Không sợ doanh nghiệp “ma”

Có đại biểu lo ngại việc thả lỏng ĐKKD sẽ làm phát sinh nhiều DN “ma” nhưng ông Hiếu cho rằng giám sát là công việc giữa DN và đối tác, nhà nước chỉ có vai trò hỗ trợ.

VN có khoảng 600.000 DN, con số này so với các nước trên thế giới là rất nhỏ. Hơn thế, thủ tục ĐKDN của họ chỉ tính bằng giờ, còn VN phải tới 3 ngày. Các nước họ cũng không có tình trạng doanh nghiệp “ma” lộng hành, do đó, chúng ta không cần phải sợ.

LS Lê Phan Thùy Anh(Đoàn Luật sư Hà Nội) hỏi: “Với quy định mới, có thể các DN đều ghi trong GCNĐKDN rằng “kinh doanh tất cả các ngành pháp luật không cấm có được không”?”. Ông Hiếu trả lời: “Nếu DN ghi chung chung là “kinh doanh tất cả các ngành pháp luật không cấm” thì chính DN ấy sẽ gặp khó khăn. Bởi họ sẽ mất điểm trong mắt đối tác. Đối tác sẽ nghĩ rằng, anh làm gì anh còn chưa biết, thậm chí sẽ đánh giá đó là nguy cơ rủi ro cao và tìm đến DN khác. Điều đó cho thấy, các DN nên xác định rõ những ngành nghề mình sẽ kinh doanh.

Lo cho tự do kinh doanh

Điều 29 về “Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã chốt cứng rằng: Giấy CNĐKDN chỉ còn lại 4 nội dung, trong đó không hề có ngành, nghề kinh doanh.

Tuy nhiên, khi lập hồ sơ thành lập DN vẫn đòi hỏi phải ghi đầy đủ ngành nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị ĐKDN. Chưa kể còn tới 267 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện thì ai cho phép tuỳ tiện nhảy vào? 267 “ông chi trưởng” này rất có thể sẽ sinh sôi nảy nở kiểu “tứ đại đồng đường”, thực tế là không đơn giản.

Luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm trọng tài quốc tế VN, VIAC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm