Nhức đầu với USD

Trong một tháng nay, tỷ giá liên ngân hàng được ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng thêm 17đ/USD, ở mức 17.002đ/USD cuối tuần qua, tăng 2,87% so cùng kỳ năm ngoái.

Khó mua như USD

Không như những lần điều chỉnh biên độ hoặc tăng tỷ giá công bố trước đây, việc tăng tỷ giá này hầu như không tác động lớn đến tâm lý làm gia tăng mức độ giữ USD, và không có biến động giá lớn ở thị trường tự do. Mức giảm sàn tỷ giá thị trường tự do thời gian qua không quá 18.260đ/USD, luôn giữ chênh lệch cao hơn quanh 300đ so với tỷ giá niêm yết chính thức. Cuối tuần qua, giá mua bán trên thị trường tự do lại nhích lên 18.340 – 18.360đ/USD.

Tỷ giá vẫn chênh lệch khiến doanh nghiệp tìm mua USD vẫn không dễ thở hơn, dù Ngân hàng nhà nước cho biết gần tháng nay nhiều ngân hàng đã mua được ngoại tệ, thanh khoản có cải thiện. Ông Alain Cany, phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) kể trong cuộc hội thảo Khủng hoảng tài chính và vấn đề giám sát an toàn vĩ mô ngày 15-10, để có một triệu USD cho một dự án phải mất cả tuần và giao dịch ở 7 – 10 ngân hàng khác nhau mới huy động đủ. Khảo sát của HSBC cho biết doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam vẫn lo ngại về sự dao động của tỷ giá nhất.

Hãng xe Ford Việt Nam, trong bài Sự suy yếu kinh niên của đồng Việt Nam gây khó khăn cho doanh nghiệp trên tờ New York Times tuần qua cho biết đã có những ngày không tìm mua được đủ lượng USD cần. Michael Pease, tổng giám đốc Ford Việt Nam cho biết, lúc đó ông cân nhắc giữa việc linh hoạt chọn một đồng tiền thanh toán khác, hay quay lại nhà cung cấp và đơn giản nói rằng theo thư thông báo của ngân hàng, chúng tôi không thể chuyển tiền vào cái ngày đã cam kết.

Dù ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm và thanh tra việc bán ngoại tệ vượt giá trần, theo trưởng phòng phụ trách ngoại hối và vàng của một ngân hàng, hiện tượng doanh nghiệp chấp nhận mua USD với giá cao hơn giá niêm yết vẫn tồn tại, với giá chuyển khoản cuối tuần qua là 18.330 – 18.350đ/USD. Theo ông, nguồn cung USD là có, vấn đề là giá nào thì mới bán được. Ví dụ, một số cá nhân, tổ chức nước ngoài muốn chuyển lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chứng khoán về nước phải mua với giá khá cao vì họ ít có chọn lựa.

Trong khi Ford có thể đang cân nhắc dùng một đồng tiền thanh toán khác, thì một nhà vận tải biển đa quốc gia tại Việt Nam cho biết, công ty ông quyết định chuyển 70 – 80% giao dịch thanh toán qua một công ty tại nước khác trong cùng hệ thống. Còn 20% còn lại, ông cho biết vì lượng USD này không lớn nên có thể mua được khá dễ với giá niêm yết chính thức ở ngân hàng, nhưng phải làm đơn và phải chờ năm đến bảy ngày.

Sức ép tăng giá tiền đồng?

Ông Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, trong cuộc hội thảo ngày 15-10 trên đã nói, Việt Nam không thiếu USD nhưng tính thanh khoản kém.

Theo ADB, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm từ 23 tỉ USD từ cuối tháng 11.2008 xuống còn 17,3 tỉ USD vào cuối tháng 6-2009. Mức dự trữ này chỉ đủ cho khoảng ba tháng nhập khẩu và xu hướng suy giảm của nguồn tiền từ FDI, tiền gửi tiết kiệm và đầu tư của khu vực tư nhân, kiều hối được dự báo giảm 2 tỉ USD so với 8 tỉ USD năm ngoái.

ThS Lê Đạt Chí, trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận xét, tình hình hiện nay của Việt Nam, nợ nước ngoài theo Standard & Poor’s khoảng 28,8% GDP, lạm phát có xu hướng tăng, thâm hụt cán cân vãng lai có thể lên 7 – 9% GDP (theo ADB và IMF), thì các biện pháp điều hành như nới hơn nữa biên độ tỷ giá… là không dễ đối với ngân hàng Nhà nước. Theo thông cáo mới nhất, ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt theo tín hiệu thị trường, thể hiện qua việc dần nâng tỷ giá trong một tháng qua.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán tiền đồng sẽ đi theo hướng giảm giá dần từ nay đến cuối năm, nhưng mức giảm cụ thể không chỉ phụ thuộc cung – cầu ngoại tệ trong nước mà còn ở sức mạnh của đồng USD sẽ giảm hay tăng.

Theo Hồng Sương (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm