Nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội xa vời

“Bức tranh kinh tế xã hội còn lổn nhổn, nhiều chủ trương không đi vào cuộc sống. Vì đâu nên nông nỗi như vậy?”. Đó là trăn trở của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại Hội thảo Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 2010-2015 và những điều chỉnh chiến lược diễn ra sáng 23-9 do Ban Kinh tế Trung ương Đảng tổ chức.

Nói về khoảng cách giữa chủ trương đặt ra với hành động thực tế, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đặt vấn đề: “Chủ trương về thị trường tài chính vững chắc, giám sát hiệu quả bây giờ thế nào? Hay chủ trương phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, xây dựng một số tập đoàn vững mạnh - mấy năm vừa rồi câu chuyện ấy ra sao?”.

GS-TS Trần Thọ Đạt, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, phân tích: Tốc độ tăng trưởng trung bình suy giảm và nhiều lần phải điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều nước ASEAN. Đáng chú ý là lạm phát tăng cao, phải điều chỉnh chỉ tiêu nhiều lần và biến động mạnh so với khu vực. Ngoài ra, trong giai đoạn này có khá nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra. Ông Đạt đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu trong kế hoạch năm năm: Giảm chỉ tiêu GDP còn 5,4% thay vì 6,5% đến 7%, CPI năm 2015 tăng lên 7% thay vì 5% đến 7%... đồng thời lùi mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 thêm 15 đến 20 năm nữa.

Nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội xa vời ảnh 1

Theo GS-TS Trần Thọ Đạt, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, lạm phát tăng cao, phải điều chỉnh chỉ tiêu nhiều lần và biến động mạnh so với khu vực. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, ông Vũ Khoan cho rằng điều chỉnh kế hoạch chỉ tiêu rất dễ nhưng nếu không thay đổi tình hình thì việc điều chỉnh ấy chẳng đem lại điều gì. “Thông tin quá ít... Nợ xấu đố ai biết, tôi không dám tin con số nào vì hôm nay nói thế này mai lại nói khác; con số về doanh nghiệp nhà nước cũng vậy” - ông Khoan nói.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển than phiền: “Con số GDP không chính xác, nhất là GDP của các tỉnh. Tỉnh nào cũng cao hơn trung bình cả nước. Muốn thay đổi tư duy và làm kế hoạch thì phải đặt thẳng những vấn đề đó, nếu không bàn mãi không làm được. Tôi hoài nghi các con số này”.

Ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng, cũng băn khoăn: “GDP tỉnh nào cũng tăng trên 10% nhưng bình quân cả nước chỉ 5,5%, vậy GDP chạy đi đâu?”.

Theo ông Vũ Khoan, sở dĩ có tình trạng trên là do cách lập kế hoạch hiện nay còn chủ quan duy ý chí. Có những chủ trương đề ra nhưng không làm hoặc làm ngược lại. Một số chủ trương lại do tình hình có thay đổi nên chỉ tập trung vào những việc trước mắt.

Nguyên phó thủ tướng không đồng tình với cách đổ thừa khó khăn cho khủng hoảng kinh tế thế giới và khó khăn do nội tại nền kinh tế - trong khi ít nhìn nhận những sai lầm do chủ quan. “Khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới là một trong các nguyên nhân nhưng tôi không tin đây là nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn ở ta vừa qua. Thực tế các nước trong khu vực cũng bị ảnh hưởng nhưng họ vẫn phát triển tốt. Khó khăn nội tại thì đã tồn tại mấy chục năm rồi”.

GS-TS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cho rằng muốn thực hiện kế hoạch, đầu tiên phải kiểm điểm cách làm kế hoạch. “Khủng hoảng từ năm 2007 đến 2008 nhưng vẫn đòi tăng trưởng 8% đến 9%, đến giờ chưa được 6%. Đó là do nhận định tình hình không đúng, xác định mục tiêu có những cái viển vông. Điều này cho thấy bệnh thành tích trong thực hiện kế hoạch” - GS Thái nói thẳng.

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm