Nhiều doanh nghiệp muốn bỏ tiền mua vaccine cho công nhân

Dịch COVID-19 đang lan rộng ra nhiều tỉnh, thành của nước ta. Đặc biệt, số ca mắc trong các khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh vẫn đang gia tăng. Riêng Bắc Giang đã phải tạm dừng hoạt động bốn khu công nghiệp. Nhiều công ty là đối tác cung ứng linh kiện sản xuất cho các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Apple... cũng phải tạm dừng hoạt động.

Đây thực sự là mối lo lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến sự tồn tại của các doanh nghiệp (DN) và ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của hàng ngàn người lao động. Chính vì vậy hàng ngàn DN dệt may, da giày, gỗ, công nghiệp hỗ trợ... mong muốn chung tay cùng Nhà nước mua vaccine phòng COVID-19.

Mong được mua vaccine tiêm cho người lao động

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết ngành dệt may Việt Nam hiện có gần 3 triệu lao động. Trong đó có những đơn vị sử dụng hàng vạn lao động tập trung với mật độ cao, đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội và kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, nếu một công ty chỉ cần bị giãn cách, cách ly không làm việc 14-21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn. “Hiện nay, các DN đã ký kết đơn hàng, nhiều công ty đã ký đến hết năm. Trong trường hợp nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn sẽ bị phạt, hủy đơn hàng, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỉ USD, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam” - ông Giang phân tích.

Do vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế ưu tiên tiêm vaccine cho các DN đông lao động ở khu vực trung tâm dịch; ưu tiên cho các DN được mua vaccine tiêm cho người lao động theo chủ trương xã hội hóa của Chính phủ để đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vaccine.

Không chỉ ngành dệt may, ngành da giày đang có khoảng 1,5 triệu lao động, mỗi nhà máy có từ vài ngàn đến hàng chục ngàn lao động. Còn ngành gỗ đang có hơn 700.000 lao động, chưa kể hàng vạn lao động trong các làng nghề gỗ trên phạm vi cả nước. Đây là nguồn lực quan trọng trong sản xuất để cho ngành gỗ đạt mục tiêu xuất khẩu trên 15 tỉ USD năm 2021.

Tuy vậy, nếu dịch bệnh lây nhiễm lan rộng, cộng đồng DN đối mặt nguy cơ ngưng trệ sản xuất, vi phạm hợp đồng giao hàng, thậm chí có thể bị phá sản do đứt gãy chuỗi cung ứng. Chính vì vậy ngành da giày, ngành gỗ, công nghiệp hỗ trợ… cũng vừa có công văn kiến nghị Chính phủ hỗ trợ được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 tại các vùng tâm dịch; cho phép các DN cùng với các đối tác nhập khẩu và nhãn hàng nước ngoài được mua vaccine tiêm cho người lao động tại các DN theo chủ trương xã hội hóa.

“Việc quản lý, sử dụng và tiêm phòng vaccine cho người lao động, chúng tôi cam kết sẽ hướng dẫn các DN thực hiện theo đúng quy định của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 và của các cơ quan chuyên môn và đúng quy định của pháp luật” - ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), chia sẻ.

Về chi phí, đại diện các hiệp hội và nhiều DN khẳng định nếu Chính phủ có chủ trương xã hội hóa thì họ sẵn sàng đóng góp tài chính để được mua vaccine và trả chi phí tiêm vaccine cho người lao động của DN mình. Tuy nhiên, cần thống nhất trong việc cấp giấy chứng nhận tiêm vaccine như cơ quan cấp, hình thức cấp và có QR code... để đảm bảo kiểm soát tốt và tạo thuận lợi cho người dân đi lại trong và ngoài nước.

Các doanh nghiệp dệt may kiến nghị được tiêm, mua vaccine. Ảnh: CTV

Bỏ tiền mua vaccine rẻ hơn rất nhiều so với đóng cửa

Công ty TNHH May Tinh Lợi, một trong những công ty may lớn nhất Hải Dương và khu vực phía Bắc với khoảng 18.000 lao động nhưng đang bị tạm dừng hoạt động một nhà máy do xuất hiện ca nhiễm COVID-19. Trước đó, vào tháng 2-2021, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Hải Dương, hoạt động sản xuất của Công ty May Tinh Lợi cũng bị ảnh hưởng, phải tạm dừng sản xuất vì nằm trong điểm nóng của dịch là huyện Kim Thành.

Từ thực tế đã trải qua, DN này hiểu rất rõ về những hậu quả mà dịch COVID-19 gây ra, cũng như ý thức được tầm quan trọng trong việc phòng chống dịch, trong đó có giải pháp tiêm vaccine cho người lao động.

Do vậy, khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Trần Thị Vượng, Giám đốc hành chính - nhân sự Công ty TNHH May Tinh Lợi, bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ đề xuất của các hiệp hội khi kiến nghị Chính phủ ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động; hỗ trợ cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để DN mua vaccine tiêm cho người lao động bằng nguồn kinh phí của mình.

Đại diện nhiều công ty khác cũng cho hay sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ để xã hội hóa nguồn vaccine. Bởi theo tính toán, hiện chi phí tiêm vaccine chỉ bằng 1/3 chi phí xét nghiệm, do đó việc tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài và tiết kiệm.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, cũng cho rằng nếu mỗi DN tự bỏ kinh phí ra mua vaccine tiêm phòng cho người lao động của mình thì chi phí này tính ra rẻ hơn rất nhiều lần so với thiệt hại mà dịch COVID-19 gây ra. “Ý thức được điều đó nên cộng đồng DN ngành gỗ cam kết sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ” - ông Lập nhấn mạnh.

Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long - ông Huỳnh Quang Thanh cũng cho hay: “Trong thâm tâm của mỗi chúng ta, của mỗi người dân là sẵn sàng chia sẻ chi phí về vaccine với Chính phủ. Đối với từng người dân, giá trị một liều vaccine không lớn nhưng cả một nền kinh tế được mở cửa thì đây là cơ hội rất lớn cho các DN và cho toàn xã hội”.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính, Học viện Tài chính, cũng đánh giá đề xuất của các DN, hiệp hội là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với mong muốn của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sản xuất, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp như hiện nay thì điều đó cần phải làm nhanh hơn để có vaccine cho toàn dân, trong đó có người lao động.

Bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho công nhân

Ngày 25-5, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, yêu cầu Bộ Y tế có kế hoạch tiêm vaccine hiệu quả, tuyệt đối không để lãng phí nguồn vaccine. Bộ rà soát, bổ sung những người thuộc diện ưu tiên tiêm phù hợp với thực tế, trong đó chú ý cơ sở sản xuất lớn, khu dịch vụ đông công nhân, người lao động. Chính phủ khuyến khích và ủng hộ chủ trương khuyến khích các DN, người dân cùng chung sức với Chính phủ để đảm bảo vấn đề vaccine.

Chiều 27-5, Bộ Y tế phối hợp với UBND Bắc Ninh và Bắc Giang bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho công nhân hai tỉnh này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và bộ trưởng Bộ Y tế nhằm phòng chống dịch bệnh. Ước tính hai tỉnh này sẽ có khoảng 240.000 công nhân được tiêm vaccine COVID-19 trong thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm