Nhật Bản muốn thay đổi chính sách ODA

Theo hãng tin Kyodo News, hôm qua Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đệ trình bản thảo lần cuối báo cáo đánh giá và đề xuất thay đổi các quy định liên quan tới hoạt động tài trợ ODA, sau 11 năm liên tiếp giảm chi viện trợ. Báo cáo này được soạn thảo bởi nhóm đặc trách thuộc Bộ Ngoại giao, trên cơ sở tham khảo ký kiến các tổ chức viện trợ phi chính phủ và giới doanh nghiệp.

Trong đó, Bộ Ngoại giao đề nghị ưu tiên ODA cho các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, nỗ lực kiến tạo hòa bình, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, trong đó bao gồm cả các dự án đối phó với biến đổi khí hậu, với lý do hòa bình và thịnh vượng trên thế cũng nhằm phục vụ lợi ích quốc gia của Nhật Bản.

Ban soạn thảo còn đề xuất nhiều thay đổi táo bạo như tăng mức đóng góp của khu vực tư nhân vào quỹ viện trợ và áp dụng cơ chế tài chính mới giống kiểu đánh thuế mua vé máy bay mà Pháp và Hàn Quốc đã triển khai. Đáng chú ý, bản báo cáo đưa ra lời kêu gọi tăng cường viện trợ cho các dự án hạ tầng ở nước ngoài có khả năng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Nhật Bản thông qua xuất khẩu công nghệ.

Điều lệ ODA được Nhật Bản sửa đổi lần cuối vào tháng 8/2003. Một quan chức Bộ Ngoại giao cho hay có thể mất một năm để Chính phủ hoàn tất lần sửa đổi này.

Nhật Bản muốn thay đổi chính sách ODA ảnh 1
Ngoại trưởng Katsuya Okada lo ngại thiếu sự ủng hộ của công chúng Nhật Bản với hoạt động viện trợ ODA.

"Chúng tôi đề nghị sửa đổi điều lệ nhằm giành thêm sự ủng hộ của công chúng đối với vấn đề viện trợ nước ngoài. Để làm được như vậy, chúng ta phải thực hiện các dự án viện trợ một cách hiệu quả và có chiến lược", Ngoại trưởng Katsuya Okada trao đổi với báo chí hôm 29/6.

Ông Okada cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ cân nhắc cung cấp các khoản vay bằng đồng đôla, thay vì chỉ sử dụng đồng yen như hiện nay, nhằm hạn chế rủi ro tỷ giá. Còn với các nước thu nhập trung bình vốn chủ yếu nhận hỗ trợ kỹ thuật, Nhật Bản có thể cân nhắc cho vay bằng đồng yen.

Mặt khác, ông cho rằng cần phối hợp với các đối tác để viện trợ theo một kế hoạch lớn thay vì đáp ứng dự án riêng lẻ của các nước tiếp nhận.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản từng công bố dự thảo sơ bộ báo cáo của nhóm đặc trách từ cuối tháng tư. Kyodo News lúc đó dẫn nguồn từ báo cáo cho hay các nhà soạn thảo quan niệm ODA không phải là nguồn tiền từ thiện của nước giàu dành cho nước nghèo, mà thực chất là công cụ để mưu cầu lợi ích song phương.

Ngoại trưởng Katsuya Okada cảnh báo hoạt động viện trợ đang thiếu sự ủng hộ của công chúng Nhật. Để tăng cường sự hiểu biết và ủng hộ của công chúng, Bộ Ngoại giao đề nghị thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với đại diện doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ. Mặt khác, sẽ tổ chức các chuyến thanh tra thực tế và lập trang web mô tả một cách dễ hiểu về tiến độ thi công các dự án nhận viện trợ ODA.

Bộ Ngoại giao cũng làm rõ những ưu tiên trong việc lựa chọn nước tiếp nhận ODA. Về nguyên tắc, những nước có thu nhập bình quân đầu người ở mức tương đối cao sẽ không nằm trong diện nhận viện trợ, song Bộ Ngoại giao cũng cân nhắc cấp các khoản vay bằng đồng yen cho những nước mang lại lợi ích quốc gia cho Nhật Bản. Những quốc gia vẫn trong quá trình tái thiết đất nước và kể cả những nước có quan hệ song phương với Nhật Bản sẽ được cân nhắc đưa vào danh sách ưu tiên.

Nhật Bản từng là đối tác cung cấp ODA lớn nhất thế giới nhưng hiện lùi xuống hàng thứ năm sau 11 năm liên tiếp giảm kinh phí viện trợ. Với Việt Nam, Nhật Bản là đối tác song phương lớn nhất với mức cam kết cho năm 2010 là 1,64 tỷ USD.

Theo Song Linh (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm