Nhà thông minh, nấm sạch Việt kiếm tiền tỉ nhờ vườm ươm

Công ty Acis, một start up Việt với sản phẩm giải pháp nhà thông minh, đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường và đạt doanh số hàng tỉ đồng mỗi năm.

Câu chuyện tương tự, startup Nấm Việt sản xuất nấm bào ngư theo phương pháp hữu cơ, đã kiếm được tiền tỉ sau khi khẳng định vị thế trên thương trường.

“Bà đỡ” Starup

Hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau, nhưng 2 startup này có một điểm chung được nuôi dưỡng trong trong các vườn ươm để vượt qua chăng đường dài đầy khó khăn của một startup từ hình thành ý tưởng cho đến phát triển được mô hình kinh doanh thành công và xây dựng một doanh nghiệp (DN) đạt được quy mô và tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Xây dựng sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ cao, mà ở đó, ngôi nhà có các thiết bị liên quan đến điện năng đều được điều khiển trực tiếp hay điều khiển từ xa qua những nút chạm cảm ứng hiển thị trên màn hình điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính cá nhân.

Ngay khi khởi đầu, Acis đã vấp phải sự thiếu vốn, máy móc để phục vụ việc nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Trong giai đoạn tìm lối đi đúng cho ý tưởng hình thành, Acis đã được vườn ươm của Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) nuôi dưỡng, hỗ trỡ vượt qua các khó khăn để tồn tại và phát triển thành một DN độc lập.

Sự hỗ trợ từ vườn ươm giúp sản phẩm nhà thông minh của Acis cạnh tranh được với các DN quốc tế.

Cách tiếp cận đúng đắn này đã đem lại cho Acis sự mở rộng phát triển kinh doanh và tăng nguồn lực để giải quyết bài toán cạnh tranh. 

 Ông Đỗ Nguyên Thanh Đồng, Giám đốc Công ty Acis, cho biết, vườn ươm SHTP đã hỗ trợ rất nhiều về mặt cơ sở vật chất, kết nối với các chuyên gia đầu ngành tại các viện trường, các công ty nước ngoài để tư vấn về mặt kỹ thuật nhằm hoàn thiện hệ thống sản phẩm Acis, đồng thời giúp sản phẩm Acis khả năng thương mại hóa thành công thông qua các chương trình tiếp thị, các hoạt động xúc tiến thương mại.

“Thông qua sự hỗ trợ của vườn ươm, Acis đã rút ngắn con đường phát triển sản phẩm, tiết kiệm nhiều chi phí nghiên cứu, để nhanh chóng thành công”, ông Đồng nhìn nhận.

Vật lộn với dự án trồng nấm sạch trong nhiều năm liền, nhưng kết quả dành startup Nấm Việt là không phát triển được thương hiệu và đối diện với sự thua lỗ.

Thấy đựợc dự án đầy tiềm năng thương mại hóa, nhưng quá trình phát triển chưa đúng định hướng, vườn ươm Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (ABI) đã nhận hỗ trợ cho start up này.

ABI đã giúp Nấm Việt xây dựng lại quy trình trồng nấm sạch bằng việc cung cấp nhà màng trồng nấm nhằm tối ưu hóa môi trường, chống được các côn trùng gây hại.

Nấm Việt được sử dụng các phòng thí nghiệm tại ABI một cách miễn phí để tạo giống, thử các loại phân hữu cơ thích hợp,… đồng  thời được các chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn sâu về mặt kỹ thuật để gia tăng năng suất, cho đến các khóa đào tạo miễn phí giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ cấu lại bộ máy hoạt động, tăng cường khả năng kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Và sau thời gian ươm tạo tại ABI, Nấm Vịệt đã phát triển mạnh mẽ, tạo dựng được thương hiệu trên thị trường.

Ông Nguyễn Hải An, Giám đốc Vườn ươm ABI, cho biết, sự thuận lợi của vườn ươm là nằm trong khu công nghiệp, với nền tảng cơ sở vật chất tốt, được quy hoạch với các mục tiêu phát triển rõ ràng cho nền kinh tế.

Do đó, các startup cũng hưởng lợi từ hệ sinh thái ổn định và sẵn sàng đồng hành để đảm bảo cho các startup gia tăng cơ hội sống sót và tăng trưởng.

Vườn ươm ABI có lợi thế về lĩnh vực chuyên sâu về nông nghiệp công nghệ cao với các thế mạnh như công nghệ sinh học nông nghiệp, chọn tạo giống cây trồng, chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp, bảo quản và chế biến nông sản.

Vườn ươm tăng cường khả năng kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho các công ty khởi nghiệp.

Trong khi đó, vườn ươm của Công viên Phân mềm Quang Trung (QTSC) sẽ mang đến môi trường sinh thái đậm chất công nghệ, mà tại đây nhiều DN công nghệ thông tin thành công đang hoạt động hiệu quả sẽ giúp các startup nhiều cơ hội tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm.

QTSC hỗ trợ cho startup là các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng chuyên môn cho DN như quản lý DN, tư vấn nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch kinh doanh, trợ giúp pháp lý, tuyển dụng lao động, liên kết tài chính.

Đồng thời QTSC tăng cường xúc tiến kinh doanh, thực hiện những hợp đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong nước và gia công xuất khẩu cho các Startup.

TP.HCM sẽ có vườn ươm Startup chuẩn quốc tế

Quá trình ươm tạo start up được các vườn ươm thực hiện kỹ lưỡng trong từng giai đoạn. Theo ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc Vườn ươm SHTP, quá trình phát triển start up đi theo 3 giai đoạn.

Trước hết là tiền ươm tạo, kéo dài từ 3-6 tháng, các giúp đỡ của vườn ươm tập trung vào việc chuẩn bị một kế hoạch kinh doanh, hoàn thiện sản phẩm và hỗ trợ văn phòng làm việc và một số dịch vụ khác.

Và các dự án một khi đạt yêu cầu sẽ được chuyển sang giai đoạn ươm tạo chính thức giúp đỡ để thương mại hóa sản phẩm thành công, trở thành công ty trưởng thành, có hiệu quả kinh doanh tốt.

Thời gian cho giai đoạn này khá dài từ 2-3 năm. Và cuối cùng là giai đoạn hậu ươm tạo dành cho các startup đã tốt nghiệp, nhưng vẫn có nhu cầu sử dụng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp do vườn ươm cung cấp. Mục tiêu cho điều này giữ quan hệ khăng khít với các startup thành công để  tham gia cùng vườn ươm giúp đỡ những startup mới.

“Chúng tôi chỉ nhận các start up vào vườn ươm nếu đề xuất được bản kế hoạch kinh doanh và được sự phê duyệt của một hội đồng gồm các chuyên gia đầu ngành để xem có khả năng phát triển sản phẩm thương mại hóa được hay không”, ông Nguyên cho biết.

Sự cẩn trọng của vườn ươm có thể hiểu được vì đặt dưới sự quản lý nhà nước nên mọi sự cung cấp nguồn lực công phải đem lại hiệu quả, không thể mạo hiểm đầu tư một lúc. Mặt khác, các mô hình kinh doanh start up rất mới với thị trường, không rõ tạo ra lợi nhuận như thế nào, trong khi rủi ro thường trực.

Chính điều này đã làm vườn ươm chọn lọc dự án có giới hạn và tiến hành ươm tạo rất lâu đã dẫn đến không thể phát triển một dự án startup đưa vào thị trường nhanh chóng và kiếm lợi nhuận.

Nếu các vườn ươm dễ dàng cung cấp các cơ sở hạ tầng, như phòng họp, internet, văn phòng, phòng thí nghiệm, thuê chuyên gia đào tạo hay hỗ trợ cho startup một phần kinh phí để  tham gia hội thảo, hội chợ để giới thiệu sản phẩm thì nguồn vốn đầu tư cho startup tăng tốc là hạn chế vì phụ thuộc vào nguồn ngân sách phân bổ cho vườn ươm.

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết hiện tại TP đã thành lập Ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) TP.HCM.

Ban điều hành bao gồm các doanh nghiệp lớn và chính họ sẽ là những người đỡ đầu, cầu nối kết nối cá nhân nhóm cá nhân với nhà đầu tư, hợp tác trong và ngoài nước để đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp của TP.

 “Sở đã trình UBND TP.HCM chương trình hỗ trợ cơ sở vật chất, một phần kinh phí cho các dự án khởi nghiệp tối đa 5 tỉ đồng/dự án. Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ phát triển hai vườn ươm DN khởi nghiệp công nghệ cao đạt tiêu chuẩn quốc tế trong năm tới”, ông Thanh chia sẻ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm