Nhà nước và doanh nghiệp đều phải bù lỗ xăng dầu

Hiện nhà nước mới chỉ bù cho doanh nghiệp khoảng 2.000 tỷ đồng, hơn 10.000 tỷ đồng nữa ngân sách không còn đâu để bù.

Đại diện cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, ông Bùi Ngọc Bảo - Tổng Giám đốc Petrolimex bức xúc trong năm 2007, Petrolimex đã lỗ 6.300 tỷ đồng, trong đó riêng xăng lỗ tới 250 tỷ đồng. Giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang trong tình trạng cách ly với giá thế giới. Trên thực tế, giá dầu diesel và madut trong nước đã giữ ổn định trong suốt 14 tháng (kể từ ngày 10-8-2006), bất chấp việc giá dầu thế giới đã tăng 61% đối với diesel và 85% đối với madut.

“Có hiện tượng cơ chế bù giá xăng dầu thông qua doanh nghiệp đã tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại và làm xói mòn việc tiết giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Khi giá dầu thế giới được dự báo vượt qua mức 100 USD/thùng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi chung của nhà nước, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng khi cơ chế điều hành giá xăng vẫn chưa được điều chỉnh. Hiện tại, các doanh nghiệp xăng dầu đang mong nhà nước thực hiện theo Nghị định 55, tức là trao quyền tự định giá cho doanh nghiệp” - ông Bảo nêu.

Tại hội nghị ngành tài chính mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo năm 2008, một số mặt hàng trong đó có xăng dầu sẽ theo cơ chế thị trường, tức là không bù lỗ. Tuy nhiên, đề án về điều hành giá cả và bình ổn thị trường xăng dầu vẫn chưa được Bộ Tài chính hoàn tất. Như lời Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, quỹ bình ổn được đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng với mục đích giảm những chấn động quá lớn và quá thường xuyên của thị trường. Nhưng phương án này hiện mới trong giai đoạn bàn bạc, nghiên cứu và thử nghiệm.

Thiết nghĩ phải chăng cơ chế điều hành giá xăng dầu đang quá lúng túng, khiến cho cả doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước cùng bị động mỗi khi giá thế giới tăng hay giá bán trong nước mỗi lần điều chỉnh.

Bộ Công thương vừa ban hành quy chế xuất khẩu xăng dầu. Theo đó, Bộ sẽ cấp phép cho thương nhân xuất khẩu xăng dầu trên cơ sở cân đối nguồn hàng, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, kế hoạch đăng ký tiêu thụ sản phẩm... để đảm bảo việc xuất khẩu không ảnh hưởng đến cung cầu thị trường trong nước.

Thương nhân xuất khẩu xăng dầu phải chịu trách nhiệm về giá bán, bảo đảm bù đắp đủ chi phí nhập khẩu hoặc chi phí sản xuất, chế biến. Nhà nước sẽ không bù giá.

L.THANH - Q.NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm