Nhà máy 14.000 lao động đóng cửa vì dịch

Bắt đầu từ ngày 24-2, một nhà máy của Công ty TNHH May Tinh Lợi tại Khu công nghiệp Lai Vu (huyện Kim Thành, Hải Dương) với khoảng 14.000 lao động đã phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Nhà máy đóng cửa, lo bị hủy đơn hàng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Trần Thị Vượng, Giám đốc hành chính - nhân sự của Công ty TNHH May Tinh Lợi, cho biết: “Chúng tôi đang bị ảnh hưởng rất nhiều vì dịch COVID-19. Vì nhà máy nằm tại huyện Kim Thành, điểm nóng của dịch COVID-19 tại Hải Dương nên công tác kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 rất chặt chẽ. Nhà nước yêu cầu chỉ cho lao động làm việc tại công ty nếu như sắp xếp được chỗ ăn, ngủ cho họ. Như thế thì chúng tôi chịu rồi vì công ty có đến 14.000 lao động”.

Vì không bố trí được chỗ ăn, ngủ tại chỗ cho công nhân nên dù toàn bộ số lao động này có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, từ ngày 24-2, nhà máy của công ty vẫn bắt buộc phải tạm dừng hoạt động, chỉ để lại hơn 100 người làm việc tại các vị trí quan trọng như kho, xuất hàng... Hơn 100 lao động này sẽ ngủ tại chỗ, ăn tại chỗ làm việc, không được ra ngoài cho đến khi hết phong tỏa.

Hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nên Công ty TNHH May Tinh Lợi đang lo lắng sẽ bị khách hủy đơn hàng. “Chúng tôi đang chờ phản hồi của khách hàng xem có thể thương lượng, thông cảm được không” - bà Vượng buồn bã chia sẻ.

Nhà máy còn lại của Công ty TNHH May Tinh Lợi nằm ở Khu công nghiệp Nam Sách (Hải Dương) may mắn vẫn đang làm việc bình thường. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố siết chặt kiểm soát phòng chống dịch, kể cả việc lưu thông hàng hóa nên cũng gây nhiều khó khăn cho công ty.

Chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 TP Hải Phòng yêu cầu xe của Hải Dương quay đầu. (Ảnh chụp chiều ngày 22-2) Ảnh: CTV 

“TP Hải Phòng quản lý rất chặt, yêu cầu tài xế phải có ba lần xét nghiệm âm tính liên tục và kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị trong ba ngày nên rất khó khăn. Cạnh đó, hàng xuất nhập khẩu qua cảng cũng khó khăn, chưa thông thoáng. Chúng tôi phải đi vòng rất xa, làm tốn thêm chi phí” - bà Vượng thông tin.

Không quá khó khăn về lao động nhưng Công ty Ford Việt Nam lại gặp khó trong việc vận chuyển hàng hóa ra vào tỉnh Hải Dương. Đại diện Ford Việt Nam cho biết công ty có khá nhiều hàng linh kiện sản xuất thông quan ở Hải Phòng nhưng không vận chuyển được vào Hải Dương.

“Mấy hôm vừa rồi chúng tôi đã kiến nghị lên tỉnh Hải Dương và tỉnh cũng có hỗ trợ thông suốt để cho hàng hóa đi lại được. Hiện chúng tôi đã quay trở lại bình thường" - đại diện Ford Việt Nam nói.

Chống dịch nhưng đừng quên mục tiêu kép

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ vào ngày 24-2 về công tác phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông nghiệp trong vùng có dịch. Qua đó vừa bảo đảm yêu cầu phòng dịch vừa không để ách tắc.

“Chủ tịch UBND các tỉnh, nhất là các tỉnh đang có dịch có biện pháp cụ thể để kiểm soát dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Các địa phương, nhất là khu vực có cảng như Hải Phòng phải bảo đảm lưu thông hàng hóa bình thường, biện pháp thông thoáng, chủ động phòng chống nhưng không ngăn sông cấm chợ” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Mong được sản xuất bình thường

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Bộ Công Thương đánh giá do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tình hình sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp (DN) tại các vùng có dịch đang gặp nhiều khó khăn với mức độ khác nhau. Nhất là ở Hải Dương, một số công ty bị ảnh hưởng về nguồn lao động khi lực lượng lao động ngoại tỉnh tương đối nhiều, do dịch nên họ không trở về để làm việc được, ảnh hưởng đến năng suất sản xuất.

Việc vận chuyển sản phẩm, linh kiện cũng có nhiều khó khăn vì các nhà vận tải e ngại phát sinh thêm chi phí và cũng sợ dịch, không dám vào Hải Dương. Trong khi đó, hiện ở Hải Dương có nhiều DN sản xuất công nghiệp lớn như bánh kẹo, ô tô, thép, nghĩa là sự lưu thông hàng hóa tương đối nhiều.

Ngoài ra, một số tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc có một số công ty lớn cũng bị ảnh hưởng ít nhiều trong trường hợp họ có sử dụng lao động ở Hải Dương. “Hiện bộ đang có mấy kênh làm việc với các tỉnh như Hải Dương, các địa phương khác và DN để xem họ có khó khăn gì, đề xuất tháo gỡ gì. Dựa trên những kiến nghị của DN, địa phương, bộ sẽ có báo cáo, giải pháp tháo gỡ gửi lên Chính phủ” - đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Hải Dương tổ chức liên hệ với các doanh nghiệp thu mua nông sản cho nông dân. Ảnh: VIỆT ANH

Bà Trần Thị Vượng, Giám đốc hành chính - nhân sự Công ty May Tinh Lợi, bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn Nhà nước nghiên cứu cách dập dịch thế nào mà vẫn tạo điều kiện cho DN sản xuất bình thường. Ví dụ như một xưởng có công nhân bị nghi nhiễm thì khoanh vùng khu đó rồi cách ly, chứ phải đóng cửa nhà máy như thế thì gay quá”.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng cho hay các hiệp hội kiến nghị Hải Phòng và Hải Dương cần sớm tìm được vùng đệm (tức khu vực trung chuyển hàng và có thể là cả tài xế) để xử lý các biện pháp phòng chống dịch với tài xế, xe và hàng hóa; thực hiện đổi tài xế có đủ điều kiện để điều khiển xe vào địa bàn địa phương mình.

Với những xe phục vụ hàng xuất nhập khẩu vào các cảng của Hải Phòng, địa phương có thể nghiên cứu xây dựng hành lang lưu thông riêng để không làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa.

Hàng hóa tắc nghẽn, hàng loạt hợp đồng bị hủy

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết: Các DN phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp trong đợt dịch thứ ba. Cụ thể, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ở nhiều khu công nghiệp bị khó khăn do hàng hóa tắc nghẽn khi vận chuyển qua địa phương có dịch như Hải Dương.

Nhiều DN cho biết do các chính sách hạn chế đi lại và các biện pháp cách ly của các tỉnh lân cận, đặc biệt là Hải Phòng, việc thu mua và vận chuyển nông sản từ Hải Dương ra cảng Hải Phòng bị ách tắc. Nhiều công ty xuất khẩu nông sản từ Hải Dương bị hủy lịch tàu, mất hợp đồng.

Theo thông tin từ Hiệp hội Vận tải Hải Dương, đã có trên 100 đơn hàng xuất khẩu nông sản, tương đương 650 container loại 40 feet phải hủy lịch tàu và hủy hợp đồng từ khi có dịch và dừng lưu thông. Điều này gây thiệt hại 100 tỉ đồng. Nếu tình trạng tắc nghẽn kéo dài đến đầu tháng 3, tổng thiệt hại ước tính lên đến trên 400 tỉ đồng. 

Đỏ mắt tìm lao động sau tết
Đỏ mắt tìm lao động sau tết
(PLO)- Nhiều địa phương đã có khu công nghiệp nên lao động có xu hướng dịch chuyển về quê hương làm việc để giảm chi phí thuê nhà và sinh hoạt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm