Nhà khoa học phát tài nhờ kinh doanh

Sự chuyển đổi này bắt đầu từ năm 2002, Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (gọi tắt là IMI) bắt đầu thí điểm hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Thay vì chỉ đơn thuần nghiên cứu, IMI đưa các kết quả đó vào thực tế: sản xuất thành các loại máy móc công nghệ cao để bán.

Sau 5 năm, IMI đã có 16 công ty thành viên và 12 trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo. Hơn 100 máy cơ điện tử được nghiên cứu thành công và 60% đã được sản xuất, bao gồm máy công cụ, thiết bị cho ngành đo lường công nghiệp, chế biến nông sản xuất khẩu, kỹ thuật điện, bảo vệ môi trường và đặc biệt là thiết bị cho ngành xây dựng - nhóm hàng đem lại doanh số lớn nhất.

Tiến sĩ Đỗ Văn Vũ, Tổng giám đốc IMI, cho biết, các sản phẩm của viện thay thế dần hàng ngoại do chất lượng cao trong khi giá thành giảm đến một nửa, nhờ đó giúp tiết kiệm hơn 15 triệu USD kinh phí nhập khẩu mỗi năm. Ngay cả với những sản phẩm không bán chạy, sự có mặt của chúng cũng khiến khách hàng Việt Nam được lợi vì để cạnh tranh, các công ty nước ngoài phải hạ giá máy của họ. Chẳng hạn có những thiết bị vốn được bán với giá 120 nghìn USD, khi hàng của IMI xuất hiện đã phải giảm còn 70 nghìn, thậm chí 50 nghìn USD.

Nhờ kết hợp nghiên cứu với sản xuất, doanh thu của IMI tăng 25 lần, lợi nhuận tăng 27 lần so với 10 năm trước. Đời sống của nhân viên trong viện cũng nâng cao hẳn.

"Tiền lương và thưởng trung bình 4 triệu đồng mỗi tháng, nhưng ai cũng có cổ phần và thu nhập từ đây có thể gấp 4-5 lần lương" - ông Vũ nói.

IMI là một trong những đơn vị nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam thí điểm thành công việc chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Sự "hóa thân" này giúp IMI có tư cách pháp nhân để huy động vốn (nếu chỉ là viện nghiên cứu thì không được phép) nhằm thương mại hóa các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, thời gian đầu, cả lãnh đạo và nhân viên trong viện đều e ngại, lo lắng bởi họ sẽ phải đối mặt với chuyện lỗ lãi, sức ép tăng doanh số và lợi nhuận... Trong khi đó, ngân sách rót cho các hoạt động của viện rất nhỏ, chủ yếu là thiết bị nghiên cứu.

Một khó khăn nữa là các sản phẩm của IMI lúc đó còn mới lạ, phải có thời gian để được khách hàng, vốn hay dùng hàng ngoại, làm quen và chấp nhận, thậm chí phải để họ dùng thử, nếu tốt mới thu tiền. Ngoài ra, vì là đơn vị thí điểm, phải "lột xác" thành doanh nghiệp khi chưa có văn bản hướng dẫn nên mọi thứ IMI đều phải mày mò. Viện đã vượt qua những khó khăn này và chiếm lĩnh phần lớn thị trường máy móc, dụng cụ công nghiệp ở trong nước, xuất khẩu nhiều mặt hàng.

Nguyên nhân, theo tiến sĩ Đỗ Văn Vũ, là IMI trước đó đã có 10 năm tự chủ về tài chính: "Đây là yếu tố quan trọng bởi muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp thành công, cơ sở khoa học phải tự chủ được ít nhất 70% kinh phí". Việc mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu kỹ và nhạy bén với nhu cầu thị trường cũng góp phần vào những thành tựu của IMI hiện giờ.

Một bí quyết nữa là IMI đã gắn quyền lợi của nhà nghiên cứu với lợi ích mà sản phẩm mang lại. Chẳng hạn, khi đưa một loại máy mới vào sản xuất, nếu là đề tài sử dụng ngân sách nhà nước, tập thể khoa học được hưởng 30% tổng giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ. Với các đề tài không thụ hưởng ngân sách, tỷ lệ này lên đến 70%.

"Điều này có tính khích lệ sức sáng tạo và nhiệt tình của các nhà nghiên cứu" - ông Vũ nói. Ngoài ra, tất cả các nhân viên trong viện đều có cổ phần trong các công ty của IMI. Vì vậy những cố gắng của họ đều trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế "nhìn thấy được" cho gia đình.

Trong thời gian tới sẽ có nhiều viện khác làm theo IMI bởi theo Nghị định 115, các đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ đều phải chuyển đổi thành tổ chức tự trang trải kinh phí hoặc doanh nghiệp. Đến tháng 12/2009, những cơ sở chưa thực hiện sẽ phải sáp nhập hoặc giải thể. Theo nghị định 80, các doanh nghiệp khoa học công nghệ sẽ được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất và các ưu đãi về tín dụng, đào tạo...

Tiến sĩ Vũ cho rằng, các quy định trên tạo điều kiện rất thuận lợi cho các cơ sở nghiên cứu, và hiện nay rất nhiều đơn vị đang rất muốn được chuyển đổi. Sự ra đời mới đây của thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 80 về doanh nghiệp khoa học công nghệ sẽ hỗ trợ tốt các đơn vị trong vấn đề này.

Hải Hà (VnExpress)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm