Nhà đầu tư nước ngoài: Vì sao liên tục mua nhiều bán ít?

Chỉ có vốn cũ, ít vốn mới

Nhà đầu tư nước ngoài: Vì sao liên tục mua nhiều bán ít? ảnh 1

Theo thống kê của sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, suốt 12 tháng, kể từ tháng 9.2007 đến 25.8.2008, trung bình lượng mua vào của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 160 triệu USD/tháng, lượng bán ra là 90 triệu USD/tháng. Nếu so với những tháng toàn một màu đỏ, không có một mã nào lên giá nổi như tháng 5 vừa qua thì đây là một lượng giao dịch không nhỏ, góp phần tạo tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán trong bối cảnh thị trường mất 56,64% điểm trong sáu tháng đầu năm.

Lượng mua vào đều đều của nhà đầu tư nước ngoài trái ngược hẳn với phản ứng ngừng mua hoặc ngừng bán hẳn một thời gian của nhà đầu tư trong nước. Lượng mua bán đều đặn này khiến nhiều nhà đầu tư trong nước thắc mắc về khối lượng tiền nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường. Theo ông Bùi Công Giang, tổng giám đốc Anpha Capital, nguồn tiền giao dịch này, vẫn là một phần vốn nằm trong 6,2 tỉ USD vốn đầu tư gián tiếp (FII) trong năm 2007, từ trước khi thị trường giảm sâu. Phần lớn các quỹ – do chưa có cơ hội giải ngân khi thị trường cao giá – đã tranh thủ thời cơ VN-Index giảm sâu để bình quân giá trong danh mục đầu tư, tái cấu trúc bán ra những mã xấu, cơ cấu vào những mã tốt. Sở dĩ lượng giao dịch khá đều bởi không ít nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ dùng vốn trung dài hạn để lướt sóng ngắn hạn.

Dựa theo thống kê của quỹ đầu tư Mekong Capital, hiện có 58 quỹ đầu tư tính cả trong nước và nước ngoài, trong đó có hơn 20 quỹ đầu tư nước ngoài. Tính trong sáu tháng đầu năm, ngoại trừ một vài quỹ huy động thêm vốn, thị trường hầu như không có thêm gương mặt quỹ đầu tư nước ngoài mới xuất hiện.

Theo ông Trần Quốc Toản, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong bảy tháng đầu năm khoảng 700 triệu USD. Về lượng tiền mới này, phó tổng giám đốc một quỹ đầu tư nhận xét, lượng rót thêm này là rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 2 – 3% vốn thị trường nếu tính vào lúc thị trường tốt nhất là chiếm 30% GDP (khoảng 20 tỉ USD), giảm mạnh so cùng kỳ năm ngoái.

Có tiếp tục mua?

Nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng lượng vốn FII đổ vào Việt Nam sắp tới là rất thấp. Theo nhóm nghiên cứu của ngân hàng BIDV, dự báo của World Bank đưa ra là 2 tỉ USD trong năm 2008.

Theo báo cáo nghiên cứu các quỹ đầu tư hoạt động trong thị trường mới nổi của tổ chức LCF Rothschid, tính đến ngày 4.8, thời điểm VN–Index đạt 439,41 điểm, tỷ giá VND/USD là 16.740 đồng/USD, thì tính chung tỷ suất sinh lời đáo hạn tại thời điểm báo cáo (YTD) của các quỹ tham gia trên thị trường Việt Nam là âm 53,9%. Trong đó, giá trị tài sản ròng (NAV) của Indochina Capital Vietnam Holdings là âm 44%, PXP âm 60%, Vietnam Equity Holding âm 21,5%, Vietnam Opportunity Fund âm 37,8%, Blackhorse Enhanced Vietnam âm 42%...

Điều này cho thấy, vị phó tổng trên nói, giá trị tài sản ròng NAV giảm sẽ thúc đẩy các quỹ tiếp tục việc củng cố và tìm mã tốt cho danh mục đầu tư như một ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, họ sẽ chưa tính đến việc huy động thêm vốn, bởi bức tranh kinh tế Việt Nam dù đã sáng hơn, nhưng vẫn chưa hoàn toàn rõ nét trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. “Vì vậy, động thái mua bán của nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thay đổi nhiều so với sáu tháng đầu năm”, giám đốc đầu tư của một quỹ đầu tư Pháp nhận xét.

Theo ông Bùi Công Giang, quỹ đầu tư do công ty ông quản lý đang chú trọng đến việc tái cấu trúc công ty, và hiện chưa có kế hoạch huy động thêm vốn trong năm nay.

Theo Hồng Sương ( SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm