Nhà đầu tư nước ngoài “gom” chứng khoán

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nhận định: Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang bắt đầu quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều đó được thể hiện qua việc họ mua ròng trong bốn tuần vừa qua. Ngoài ra, trong vòng hơn hai tuần nay nhiều công ty chứng khoán nước ngoài đã đến xin đăng ký hoạt động. Bên cạnh đó, những công ty chứng khoán nước ngoài đã hoạt động rồi thì bắt đầu mở rộng kinh doanh. Điều này chứng tỏ họ đánh giá cao về triển vọng sắp tới của chứng khoán Việt Nam.

Thị trường chứng khoán sẽ ấm trở lại

Một thực tế cho thấy là thời gian qua thị trường chứng khoán liên tục có những đợt sóng nhỏ tăng lên, giảm xuống khác nhau. Nhiều nhà đầu tư trong nước cũng đang trông chờ “bắt đáy” của thị trường. Nếu khi có đủ các làn sóng cực lớn thì thị trường chứng khoán mới bật dậy được. Từ nhiều dấu hiệu tích cực của kinh tế vĩ mô, nhiều chuyên gia dự báo từ quý III chứng khoán sẽ tăng trở lại.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, sẽ không chỉ có một kịch bản mà là ba kịch bản diễn ra với thị trường này. Thứ nhất, khi chứng khoán Việt Nam đi lên thì thị trường chứng khoán thế giới giữ ổn định. Thứ hai, khi chứng khoán Việt Nam ngoi ngóp mới đi lên thì thế giới bắt đầu đi xuống. Thứ ba, rất có thể năm 2012 chứng khoán thế giới sẽ có những trục trặc, vì vậy chứng khoán Việt Nam đi lên thì thế giới sẽ đi xuống.

Nhà đầu tư nước ngoài “gom” chứng khoán ảnh 1

Thị trường chứng khoán sẽ ấm lên trong những ngày tới? Ảnh: HTD

Giải thích thêm về vấn đề này, ông Nghĩa nói chứng khoán thế giới có những ảnh hưởng từ sự bất ổn bởi những tác động bên ngoài nhưng sẽ chỉ trong thời gian ngắn hạn. Sau đó chứng khoán thế giới sẽ đi lên cùng với chứng khoán Việt Nam. Thậm chí thị trường sẽ khởi sắc vào quý III, IV năm nay và từ đây sẽ đi lên vững chắc.

Tăng tính thanh khoản cho thị trường

Để giải quyết bài toán về chứng khoán, theo Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ phải phân tích về triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn.

Câu hỏi tất yếu là sự mất cân đối vĩ mô hiện nay có thể khắc phục tận gốc được không? Theo ông Chí, sự mất cân đối sẽ được khắc phục dần dần trong ngắn hạn, có thể mất khoảng sáu tháng. Nhưng muốn khắc phục hoàn toàn sự mất cân đối vĩ mô thì cần có các biện pháp khắc phục trong ba năm, kể từ nay tới năm 2014.

Rất lạc quan về tương lai chứng khoán, ông Nghĩa cho biết lạm phát của Việt Nam mặc dù cao hơn Mỹ nhưng bù lại đôla Mỹ lại đang mất giá so với các ngoại tệ khác, cho nên tính trên một rổ tiền tệ gồm 19 đồng tiền của các quốc gia có quan hệ thương mại với Việt Nam thì tỉ giá thực tăng không đáng kể.

Hiện nay các mã chứng khoán tốt như VNM, BVH, MSN đã đụng mức trần và được nhà đầu tư nước ngoài gom mua hầu hết. Còn cổ phiếu của các ngành như khoáng sản, cao su thì thanh khoản quá thấp. Chính vì lẽ đó, theo ông Nghĩa, Chính phủ phải có những chính sách hấp dẫn hơn để thu hút được các nhà đầu tư lớn. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu nâng tỉ lệ sở hữu cổ phần trong các công ty niêm yết cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải thêm hàng hóa có chất lượng cao cho thị trường để lôi kéo các nhà đầu tư lớn bằng cách đẩy mạnh cổ phần hóa các tập đoàn lớn của Việt Nam.

“Bên cạnh đó, theo tôi phải đưa thêm vào thị trường chứng khoán những mã khỏe như Vinamilk, Bảo Việt để kích thích thị trường chứng khoán phát triển. Song song với giải pháp này,  cần phải đẩy nhanh thanh khoản bằng các sản phẩm chứng khoán phái sinh nhằm tạo thanh khoản cho thị trường. Làm được điều này thị trường chứng khoán năm 2012 sẽ rất tốt đẹp” - ông Nghĩa nhận định.

Khác với năm 2010, thị trường chứng khoán tùy thuộc vào tỉ giá, năm 2011 sự phục hồi của thị trường chứng khoán hoàn toàn tùy thuộc vào việc lãi suất có thể giảm từ quý III và chỉ số giá tiêu dùng.

Chuyên gia kinh tế PHẠM ĐỖ CHÍ

YÊN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm