Nhà đầu tư ngoại vẫn kỳ vọng

Sáng qua, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Công ty Tài chính quốc tế tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Đây là sự kiện mở đầu cho hội nghị giữa kỳ của nhóm tư vấn các nhà tài trợ 2008. Diễn đàn thu hút sự tham dự của hàng trăm đại diện tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội, ngành nghề trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp nước ngoài vẫn rót vốn

Ông Sin Foong Wong, Giám đốc quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế, nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng là chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp cần đẩy mạnh quan hệ đối tác để tiếp tục phát triển cải cách và duy trì sự tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Theo ông Sin Foong Wong, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm tháng đầu năm đạt 14,7 tỷ USD đã chứng tỏ các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào viễn cảnh của Việt Nam.

Qua điều tra hơn 1.700 doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh tại 30 TP ở châu Á, ông Hiroyuk Moribe, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam, khẳng định Việt Nam vẫn là địa điểm thu hút đầu tư mới của Nhật Bản. Do kỳ vọng doanh thu từ xuất khẩu tăng, các nhà sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam rất tin tưởng vào triển vọng kinh doanh năm 2008. Theo kết quả điều tra, 92,6% số công ty sản xuất của Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam dự định tăng vốn đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Không có công ty nào dự định thu hẹp quy mô hay di chuyển đi nước khác.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đánh giá Việt Nam là địa điểm sản xuất tốt nhất ở châu Á trong vòng 5-10 năm tới trong các ngành máy móc, thiết bị điện-điện tử, sản phẩm kim khí, linh kiện, phụ tùng điện-điện tử...

Hoan nghênh cam kết của chính phủ Việt Nam trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EUROCham) tại Việt Nam, đề nghị chính phủ Việt Nam nên tập trung nhanh chóng thay đổi về cơ cấu trong nền kinh tế nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất và tăng cường tốc độ tăng trưởng. “Vấn đề mà chính phủ Việt Nam cần phải giải quyết ngay là phải đảm bảo cho các nhà xuất khẩu trong nước có cơ hội vay vốn ở mức hợp lý. Ngân hàng nhà nước nên nhanh chóng xây dựng một kế hoạch phù hợp nhằm đảm bảo duy trì hoạt động xuất khẩu” - ông Alain Cany khuyến nghị.

Doanh nghiệp trong nước khát vốn

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa kết thúc điều tra 6.700 doanh nghiệp tư nhân. Kết quả cho thấy nguyên nhân thiếu vốn đang gây trở ngại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Cụ thể là có tới gần 38% các doanh nghiệp kêu khó khăn về vốn. Thủ tục vay vốn quá phức tạp, lãi suất cho vay quá cao, thời hạn vay còn ngắn... Đáng lưu ý là các doanh nghiệp chủ yếu vay vốn ngắn hạn, đến hơn 76% vay vốn có thời hạn từ 12 tháng trở xuống. Các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu vay vốn ngắn hạn để đáp ứng các yêu cầu kinh doanh hàng ngày mà chưa vay vốn dài hạn và trung hạn cho mục tiêu đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ. Chính vì khó khăn nguồn vốn mà 92% doanh nghiệp đang vay vốn phải thế chấp tài sản cho khoản vay của mình, đa phần là phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội, cho rằng không chỉ doanh nghiệp đang thiếu vốn mà cả ngân hàng cũng đang “khô máu”. Điều này thật đáng buồn bởi nó trái ngược với báo cáo của Bộ Tài chính mới đây. Vì theo Bộ Tài chính, hệ số vay nợ trên vốn chủ sở hữu rất cao của một số tổng công ty, tập đoàn nhà nước.

Lo ngại: Giá nhân công, tiền thuê văn phòng

Hàng loạt vấn đề như đẩy nhanh các tiến độ dự án cơ sở hạ tầng, đảm bảo đủ điện cho sản xuất... là điều các nhà đầu tư nước ngoài hy vọng Việt Nam sẽ sớm cải thiện. Tuy nhiên, cuộc điều tra của JETRO cũng cho thấycác doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại chi phí ngày càng tăng, đặc biệt là giá nhân công, tiền thuê văn phòng và nhà ở.

Ông Hiroyuki Moribe cũng nhấn mạnh điều nổi bật nhất ở Việt Nam là cạnh tranh về chi phí lao động. Lương trung bình hàng tháng ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với công nhân là 97 USD, kỹ sư là 141 USD; quản lý cấp trung gian là 512 USD. Trong khi đó, thu nhập của các đối tượng này ở ASEAN là gấp ba lần, còn ở châu Á là gấp năm lần Việt Nam.

Những khuyến cáo hậu WTO đáng chú ý

Chủ tịch EuroCham khuyến nghị Chính phủ thay thế đồng đôla trong hoạt động đấu thầu và các giao dịch thương mại khác ở Việt Nam. EuroCham đề nghị các công ty trong và ngoài nước có thể sử dụng euro như đồng tiền thay thế trong hoạt động đấu thầu ở Việt Nam.

Chủ tịch AmCham ghi nhận những hành động quyết đoán của Chính phủ trong việc loại bỏ những quan chức thiếu năng lực hoặc tham nhũng và trừng phạt thích đáng những người trực tiếp liên quan đến tham nhũng. Đề nghị những chính sách cải cách giúp tiếp cận tốt hơn nguồn lao động có kỹ năng từ nước ngoài không những góp phần làm giảm lạm phát về tiền lương, tiền công lao động mà còn giúp củng cố đào tạo và chuyển giao công nghệ vào Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển đầu tư vào công nghệ cao.

Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) dẫn đánh giá trong báo cáo môi trường kinh doanh mới nhất của mình cho biết tỷ lệ hài lòng của các nhà đầu tư Nhật Bản đã giảm từ 75,4% năm 2006 (đứng đầu) xuống 41,7% năm 2007 (đứng thứ năm trong sáu nước ASEAN).

Chủ tịch AusCham cho rằng các thay đổi quan trọng về thuế xuất nhập khẩu và sự không chắc chắn về việc áp dụng thuế xuất nhập khẩu nhất định trong khoảng thời gian ngắn mà không có báo trước sẽ hủy hoại lòng tin của các nhà đầu tư và đôi khi cả sự sống còn của các doanh nghiệp.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết một khảo sát sơ bộ gần đây của VCCI đối với doanh nghiệp và hiệp hội nổi lên vấn đề là họ không được tham gia vào quá trình hình thành cam kết mở cửa thị trường cho ngành mình và các ngành liên quan. Do đó, họ hoàn toàn bị động trong việc lên kế hoạch kinh doanh.

LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm