Nhà cung cấp cho siêu thị đứt gãy chuỗi cung ứng, khó khăn tăng nguồn hàng

Thông tin từ Tổng Cục quản lý thị trường (QLTT), sau khi có thông tin TP.HCM sẽ siết chặt việc thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 23-8, trong sáng nay (21-8), rất nhiều người dân đổ xô xếp hàng dài bên ngoài các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống... để mua gom thực phẩm khiến nhiều nơi rơi vào tình trạng quá tải.

Tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi chỉ cho người vào số lượng hạn chế nên người dân phải chờ vài giờ mới tới lượt mua sắm.

Bên trong các siêu thị, người dân cũng tranh thủ mua hàng với số lượng lớn để có thể dự trữ dùng trong nhiều ngày khiến nhiều siêu thị không kịp đưa hàng lên kệ, nhiều kệ rau, quả, thịt, cá, trứng, mì ăn liền bị hết, thiếu hàng.

Đơn cử như siêu thị Emart Gò Vấp, từ sáng sớm hàng trăm người xếp hàng để vào siêu thị, nhiều loại thực phẩm tươi sống liên tục được bổ sung nhưng vẫn xảy ra tình trạng không bổ sung kịp thời khi sức mua sắm quá lớn tại thời điểm nhất định.

Người dân mua sắm tại siêu thị Aeon Tân Phú sáng 21-8. ẢNH: K.LINH

Đến hơn 12 giờ, dù trời nắng gắt  tại các siêu thị Co.opmart, MM Mega Market, các cửa hàng tiện lợi Co.op Food, Satra Foods, Vinmart+, Bách Hóa Xanh... vẫn còn khá nhiều người kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt vào mua hàng.

Các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi đã tăng đặt hàng rau, quả, trứng…để phục vụ cho người dân nhưng nguồn cung ứng hạn chế, khó tăng mạnh do nhà cung cấp cũng gặp khó khăn về nhân lực. 

Tại các cửa hàng tạp hoá bên ngoài người dân cũng tập trung mua mì ăn liền, bún khô, miến, nui, gạo, trứng và nhiều cửa hàng hết mì ăn liền, trứng.

Theo Tổng Cục QLTT, dù sức mua tăng rất cao, nhiều nơi thiếu hàng giá cả tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn bình ổn.

Các siêu thị cho biết, từ ngày 20-8 đến trưa nay, lượng khách đến mua sắm đã tăng gấp ba bốn lần so với những ngày trước.

Để bảo đảm đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu gia tăng bất ngờ, các siêu thị đã nhanh chóng điều phối, bổ sung các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô lên các quầy kệ. Đồng thời tăng lượng rau củ, quả lên gấp ba bốn lần.

Theo đó, hệ thống Aeon đã ngừng hoạt động bán hàng lưu động, tập trung toàn bộ hàng hóa cho các siêu thị và kiểm soát lượng khách vào mua sắm, chỉ tiếp nhận khách có phiếu mua hàng trong hôm nay. Các siêu thị Aeon luôn đảm bảo dự trữ hàng hoá chuẩn bị nhu cầu người dân Thành phố trong thời gian tới.

Hệ thống SatraFood dự trữ hàng thiết yếu đủ phục vụ 30 ngày. Hệ thống MM Mega Market hàng tươi đông lạnh tồn kho dự trữ 20 ngày, đặt hàng dự trữ 20 ngày, tổng dự trữ 40 ngày, hàng thực phẩm khô tồn kho dự trữ 30 ngày, đặt hàng dự trữ 30 ngày, tổng cộng là 60 ngày.

Nhiều hệ thống siêu thị khác cũng tăng lượng hàng thực phẩm dự trữ. Đối với hàng rau, củ, quả, thịt, cá tươi luôn có nguồn hàng về từng ngày, các siêu thị cũng tăng đặt hàng so với những ngày trước đó.

Tuy nhiên, nhà cung cấp gặp khó khăn về nhân sự và đứt gãy chuỗi cung ứng nên khả năng tăng nguồn hàng hóa bị hạn chế.

Nhiều hàng thực phẩm khô không còn trên quầy kệ. ẢNH: TÚ UYÊN

Trước đó, từ chiều 20-8 sau khi có tin đồn về việc Thành phố bị phong toả, đã có nhiều người đến các cửa hàng tiện lợi mua thực phẩm tươi sống và các loại nhu yếu phẩm mì ăn liền, gạo…

Đến gần cuối giờ chiều, nhiều cửa hàng thuộc hệ thống Bách Hoá Xanh không còn nhiều loại rau, quả. Thông tin từ Bách Hoá Xanh cho biết lượng tiêu thụ thực phẩm tươi sống tại hệ thống tăng hơn 30% so với ngày trước đó...

Tại buổi họp báo ngày 20-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cho biết, TPHCM  sẽ tiếp tục tăng cường, nâng cao một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 23-8.

Theo đó, Thành phố  tập trung năm nhóm giải pháp chính, trong đó giải pháp thứ 5 là bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chăm lo đầy đủ, hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế tại địa bàn dân cư.

Vì vậy, lãnh đạo TPHCM đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm thực hiện 5K+ vaccine + thuốc uống,  không tập trung thu gom hàng hóa thực phẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm