Nguy cơ khủng hoảng thiếu gà, vịt... vì nông dân gặp khó

Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình sản xuất, cung ứng nông sản 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ.

Theo báo cáo của Tổ công tác, sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Nam bộ đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Dự kiến 6 tháng cuối năm, nguồn cung nông sản thực phẩm phục vụ xuất khẩu sẽ giảm mạnh.

Dù nhu cầu thị trường vẫn rất lớn nhưng do dịch bệnh nên nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa do giãn cách, việc thu hoạch và sản xuất bị ảnh hưởng, công suất tại các nhà máy chế biến thủy sản giảm còn 50%.

Tổ công tác 970 đề nghị Chính phủ ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 100% lực lượng công nhân các nhà máy chế biến nông sản, thủy sản... Ảnh: QUANG HUY

Qúa trình kiểm tra thực tế cho thấy còn khá nhiều cơ sở giết mổ, nhà máy chế biến nông sản và thủy sản không đáp ứng được các điều kiện 3 tại chỗ vì chi phí quá lớn dẫn đến phải dừng hoạt động. Phần lớn cơ sở giết mổ và nhà máy chế biến, công nhân lao động chưa được tiêm vaccine COVID-19, khi có ca nhiễm nhà máy phải đóng cửa.

"Cây trồng không được chăm sóc, thiếu vật tư nông nghiệp, tâm lý người trồng không tốt dẫn đến việc thiếu sản phẩm có chất lượng cao để xuất khẩu. Dự kiến xuất khẩu rau củ quả các tháng cuối năm sẽ giảm khoảng 30%" - Tổ công tác cho biết.

Tổ công tác cũng cho hay, một số mặt hàng nông sản khó tiêu thụ, giá xuống thấp, ứ đọng như thanh long, chuối, dứa, chanh, gà lông trắng, cá tra, tôm... dẫn đến một số nông dân, DN có tâm lý chán nản, chần chừ trong tái đầu tư sản xuất.

Do vậy rất cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự động viên, vào cuộc của các cấp ngành để khôi phục sản xuất, không để thiếu hụt lương thực thực phẩm những tháng cuối năm.

Đơn cử như chăn nuôi gia súc gia cầm, dự báo lượng gia cầm vào đàn thấp, có thể có một đợt khủng hoảng thiếu gia cầm vào dịp Tết.

Trước tình hình trên, Tổ công tác đề nghị Chính phủ chỉ đạo 19 tỉnh, thành phố phía Nam ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 100% lực lượng công nhân các nhà máy chế biến nông sản, thủy sản, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm đang thực hiện "3 tại chỗ" và các cơ sở sản xuất liên kết với nhà máy. Vì đây là lực lượng lao động trực tiếp đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm lâu dài.

Để kích cầu sản xuất, động viên nông dân tiếp tục sản xuất, đảm bảo kế hoạch và sản lượng lúa, giữ vững an ninh lương thực và một phần xuất khẩu, Tổ công tác đề nghị Chính phủ triển khai thực hiện chương trình thu mua, dự trữ lúa gạo quốc gia.

Tổ công tác cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ NN&PTNT có kế hoạch lập danh sách các cơ sở sản xuất, DN chế biến nông sản, thực phẩm đủ năng lực để triển khai chương trình mở rộng hạn ngạch cho vay để thu mua nông sản và vật tư phục vụ nông nghiệp theo những lĩnh vực ưu tiên, nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa nông sản.

Cụ thể, gia hạn các khoản vay ngắn hạn để DN có đủ thời gian chuẩn bị dòng tiền trả nợ, đáo hạn các khoản vay dài hạn, nới rộng hạn mức cho vay và điều chỉnh lãi suất cho vay tạm trữ.

Ngoài ra, Tổ công tác cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ giá điện sản xuất cho các DN sản xuất, chế biến nông, thủy sản để tăng cường mua nông sản, bảo quản sản phẩm đông lạnh.

Chính phủ chỉ đạo các địa phương triển khai mở rộng chính sách bán hàng bình ổn giá cho các đối tượng công nhân, người lao động ở các thành phố lớn và các khu công nghiệp trong phạm vi 19 tỉnh thực hiện giãn cách xã hội ở phía Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm