Nguy cơ đầu tư trá hình từ Trung Quốc vào Việt Nam

Sáng nay, 5-12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM tổ chức hội thảo "Ngành dệt may - giày dép - đồ uống - đồ gỗ Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)" đã chính thức có hiệu lực từ ngày 14-1-2019 với Việt Nam. Hội thảo nằm trong khuôn khổ của chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Hiệp định CPTPP và những cam kết thuế quan, mở cửa thị trường của 11 nền kinh tế tham gia hiệp định là cơ hội và thách thức của nhiều ngành hàng xuất khẩu Việt Nam.

Gian lận thương mại, nỗi lo của ngành gỗ

Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, thừa nhận về mặt lợi thế về thuế suất không mang lại nhiều cơ hội cho ngành gỗ trong hiệp định CPTPP. Trước hết, thách thức trong các vấn đề trong năng lực cạnh tranh như công nghệ sản xuất còn lạc hậu, lao động chưa được đào tạo bài bản khiến quy trình xử lý trong sản xuất bị hạn chế, lãng phí nguyên liệu sản xuất…

Bên cạnh đó, hệ lụy của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng làm cho ngành gỗ nước ta gia tăng nguy cơ gian lận thương mại từ Trung Quốc qua Việt Nam, có thể khiến nước ta đối mặt với khả năng bị trừng phạt. Đồng thời, sự chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đầu tư trá hình, công nghệ lạc hậu.

"Việc ký kết cũng đưa ra thách thức về tuân thủ, như thực hiện cam kết về gỗ hợp pháp theo VPA/FLEGT có thể khiến chi phí sản xuất tăng trong giai đoạn đầu, làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của sản phẩm" - ông Phương nói.

Ông Phương kiến nghị VCCI cần nghiên cứu từng thị trường họ đang xuất khẩu ra sao, sản phẩm nào phù hợp với thị hiếu của nước đó... Từ đó mới tìm ra được cơ hội và thách thức của ngành gỗ nước ta.

Đối với doanh nghiệp, ông cho rằng cần tìm hiểu các yêu cầu của từng thị trường và có hành động thích hợp để điều chỉnh quy trình sản xuất, xuất khẩu và tuân thủ các yêu cầu này.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tìm hiểu chi tiết và cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật nội địa của thị trường nhập và nghiên cứu cải thiện chất lượng mẫu mã sản phẩm.

Dệt may cơ hội có nhưng thách thức nhiều

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI, cho hay: Ở ngành dệt may, phần lớn các dòng thuế được xóa bỏ ngay. Tuy nhiên, Mexico và Peru là hai nước không mở cửa hoàn toàn thị trường ngay sau khi hiệp định ký kết mà cam kết xóa bỏ theo lộ trình, còn Nhật Bản thì không đồng ý xóa bỏ với năm dòng thuế.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Trà

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Văn phòng đại diện tại TP.HCM, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết ngành dệt may của Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỉ, tuy nhiên trên thực tế chỉ đạt 39 tỉ USD. Điều này có thể thấy ngành dệt may ở Việt Nam có cơ hội nhưng cũng đi kèm không ít thách thức.

Thứ nhất, theo bà, nguyên phụ liệu ở nước ta chủ yếu là nhập khẩu, mà nhiều nhất là nhập từ Trung Quốc, không phải ở các nước trong thành viên nên khả năng tận dụng các ưu đãi thuế quan theo các FTA giảm (do không đáp ứng quy tắc xuất xứ).

“Dệt nhuộm đang là nút thắt cổ chai của ngành khiến cho chuỗi dệt may từ xơ sợi - dệt nhuộm - cắt may bị đứt gãy, có 2/3 sản lượng sợi phải xuất khẩu trong khi ngành may mặc phải nhập khẩu 70% nguyên vật liệu đầu vào” - bà bày tỏ.

Ngoài ra, sản xuất xuất khẩu dệt may ở nước ta chủ yếu theo phương thức gia công cắt - may, do đó giá trị gia tăng thực thu được rất thấp. Công nghệ, thương hiệu hay nguồn lao động cũng là một bất cập vì thiếu hụt đi nguồn nhân lực có kỹ năng, kinh nghiệm quản lý, thiết kế… 

Không chỉ thế, ngành dệt may cũng thiếu đi sự nhất quán trong các chính sách. Đơn cử như quy định về tiêu chuẩn nước thải cao khiến chi phí sản xuất dệt nhuộm tăng, quy định về tiêu chuẩn hóa chất/kỹ thuật trong nguyên phụ liệu may mắc khiến chi phí nhập khẩu lớn…

Cũng tại hội thảo, ông Trần Ngọc Bình, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, lưu ý các doanh nghiệp cần nắm rõ các quy tắc xuất xứ trong CPTPP đối với từng ngành hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm