Người nước ngoài muốn mua hàng Việt nhưng không dễ

Thiếu nhân công, khó khăn trong khâu thu hoạch, các công ty đối tác ngừng hoạt động vì không đáp ứng được mô hình “ba tại chỗ”… đang khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lo sốt vó thời điểm này.

Đơn hàng xuất khẩu nhiều nhưng…

Ông Đỗ Ngọc Chất, Giám đốc Công ty TNHH Việt Á Agrifood (TP.HCM), đánh giá hầu hết công ty xuất khẩu trái cây không đáp ứng được mô hình “ba tại chỗ”. Vì vậy, dù đơn hàng của khách nước ngoài đặt mua rất nhiều nhưng các doanh nghiệp Việt chỉ xuất khẩu được 15%-30% sản lượng.

Đơn cử như thanh long và chuối là hai mặt hàng mà Việt Á Agrifood đang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhưng gặp khó đủ đường. Chính vì vậy, hiện nay công ty chỉ mua lại từ nguồn các thương lái chở tới và xuất khẩu đi chứ không thể thu mua tại vườn nên lượng xuất khẩu giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 20% so với trước đây.

“Không chỉ công đoạn thu hoạch, vận chuyển, thu mua… trong nước đang gặp khó mà khâu vận chuyển quốc tế cũng rủi ro cao. Như mới đây tàu chở thanh long, chuối của công ty xuất khẩu vẫn chưa thể cập cảng Trung Quốc để xuống hàng vì trên tàu có thủy thủ nhiễm COVID-19” - ông Chất nói. Đầu ra xuất khẩu khó khăn nên giá thanh long giảm mạnh, khó tiêu thụ. Giá thanh long ở Bình Thuận loại đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hiện chỉ còn 10.000 đồng/kg.

Trong khi đó nhiều nhà xuất khẩu hạt điều, hồ tiêu, cà phê… cũng gặp khó vì các đối tác cung cấp bao bì ngừng hoạt động do không đáp ứng quy định “ba tại chỗ”. Ông Tạ Quang Huyên, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 (Bình Phước), thông tin các đối tác làm bao bì của công ty đều ở TP.HCM. Nhưng họ không đảm bảo “ba tại chỗ” nên phải ngưng sản xuất, dẫn đến nguy cơ thiếu bao bì đối với các công ty chế biến hạt điều xuất khẩu.

“Hiện chúng tôi phải cân đối lượng bao bì đang còn trong kho, vì vậy lượng xuất khẩu giảm mạnh dù đơn hàng rất nhiều. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì công ty muốn xuất khẩu cũng không được vì không có bao bì” - ông Huyên lo lắng.

Ngoài ra, ông Huyên cho biết quy định phòng chống dịch ở các địa phương mỗi nơi mỗi khác khiến việc đi lại của các đơn vị kiểm định gặp trở ngại. Nhiều lô hàng đã chế biến, đóng gói sẵn sàng xuất khẩu nhưng phải đợi cán bộ tới kiểm định khiến chậm giao hàng.

Cán bộ kiểm dịch thực vật kiểm tra trái cây trước khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: QH

Cần địa phương hướng dẫn cụ thể

Tập đoàn Vina T&T Group được xem là “ông vua” xuất khẩu trái cây sang Mỹ, cũng đối mặt với nhiều trở ngại về thu hoạch, vận chuyển khiến sản lượng xuất khẩu giảm tới 50%.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T Group, thông tin thêm hiện nay nhiều loại trái cây đang vào vụ thu hoạch nhưng các doanh nghiệp khó giữ được việc thu mua xuất khẩu như bình thường. Vì hiện nay hầu hết các tỉnh, thành ĐBCSL đã giãn cách theo Chỉ thị 16 và hạn chế ra đường sau 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, nên khâu thu hoạch nông sản thực sự rất khó khăn. Đối với mặt hàng trái cây, nguồn cung đang vượt cầu trong khi lại thiếu nhân công thu hoạch nên ùn ứ, rớt giá.

“Hiện nhân công đi thu hoạch trái cây thiếu vì vừa lo dịch vừa sợ bị phạt. Theo tôi, lúc này các địa phương cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc thu hoạch, thu mua, vận chuyển các mặt hàng… để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện đúng và không bị phạt” - ông Tùng đề xuất.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ Lê Văn Quyết dẫn số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cung cấp, cho thấy hiện có tới 70-80 triệu con gà công nghiệp tại các tỉnh phía Nam đến tuổi xuất bán nhưng ứ trong trại vì tắc đầu ra. Nguyên nhân một phần do nhiều nhà máy giết mổ đóng cửa, ngưng hoạt động. Ngoài ra, gần đây việc vận chuyển phải qua quá nhiều chốt khiến tiêu thụ gà thêm khó khăn.

Trước thực tế này, ông Quyết đề xuất nên có chính sách ưu tiên tháo gỡ khó khăn khâu vận chuyển, giết mổ và cho mở lại các cơ sở giết mổ vệ tinh đảm bảo an toàn. Đồng thời cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ để hỗ trợ người nuôi gà trong thời điểm khó khăn này.

Cần phải linh hoạt, uyển chuyển

Theo Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu. Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế cũng tăng rất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, quy định về các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương không thống nhất. Từ đó dẫn đến các quy trình kiểm dịch rất phức tạp, tốn kém, gây lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp; làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu.

Giá gà công nghiệp rớt thê thảm chỉ còn 8.000 đồng/kg nhưng không có người mua. Ảnh: QH

“Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác. Việc quay lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình. Việc đứt gãy các chuỗi giá trị và cung ứng trong các ngành sản xuất trong nước do đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội cũng như kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn” - Bộ Công Thương nhìn nhận.

Từ thực tế trên, cơ quan này đề nghị trước mắt cần bổ sung một số ngành sản xuất, dịch vụ, mặt hàng vào danh mục “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu”. Đó là các cơ sở chế biến thực phẩm từ các ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản để tạo điều kiện ổn định lưu thông, sản xuất hàng hóa; xem xét tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng ca sản xuất, bảo đảm kịp tiến độ giao hàng, đặc biệt là đối với những đơn hàng xuất khẩu trong các ngành hàng như dệt may, da giày, điện tử...

Song song đó, các cơ quan nhà nước đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Trong đó ưu tiên tiến hành giải quyết và trả kết quả hành chính online, đặc biệt là các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu để tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp.

“Đối với các doanh nghiệp phía Nam với đặc thù sử dụng nhiều lao động nhập cư từ các địa phương khác, chỉ nên yêu cầu thực hiện phương châm “một cung đường, hai địa điểm”, không nên yêu cầu áp dụng phương châm “ba tại chỗ”. Trong đó, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm xác nhận cung đường và địa điểm cho người lao động và cam kết chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra việc lây lan dịch bệnh” - Bộ Công Thương đề xuất.

Không thể dừng sản xuất lương thực, thực phẩm

Báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT nhận định sản lượng sản phẩm chăn nuôi được sản xuất và cung ứng cho thị trường cả nước và 19 tỉnh, thành phía Nam đang vẫn ổn định, dồi dào. Nhưng do công tác lưu thông, giết mổ, chế biến và tiêu thụ gián đoạn khiến giá các mặt hàng gà công nghiệp, heo hơi… giảm dưới giá thành sản xuất. Ví dụ giá gà công nghiệp chỉ còn 6.000-8.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 21.000-23.000 đồng/kg do nhà máy giết mổ đóng cửa, vận chuyển khó khăn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho hay đã có đề xuất huy động quân đội vào thu hoạch nông sản. Tuy nhiên, vấn đề này cũng khó khăn vì việc thu hoạch phải có tay nghề để đảm bảo các sản phẩm như trái cây không bị xước, dập, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Thứ trưởng Nam cũng yêu cầu các sở NN&PTNT triển khai tập hợp danh sách công nhân, nông dân cần ra đồng tiếp tục sản xuất, thu hoạch sản phẩm để có phương án hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, Sở NN&PTNT địa phương cần có đường dây nóng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nông dân và các doanh nghiệp; tạo điều kiện tiêm vaccine cho những đối tượng này.

“Sản xuất lương thực, thực phẩm phải đảm bảo, không thể dừng được. Các nhà máy giết mổ đóng cửa thì cần phải có các nhà máy, giải pháp khác thay thế, nếu không sẽ không có thịt. Mặt hàng gà từ 26.000 đồng/kg xuống 8.000 đồng/kg rất nguy hiểm, cần có chính sách hỗ trợ làm sao kích cầu doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, tạo đầu ra cho người chăn nuôi đang thua lỗ, nợ nần” - ông Nam nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm