Người Nga nhận xét gì về hàng Việt Nam?

Ngày 8-5 tại TP.HCM đã diễn ra Diễn đàn thương mại Việt Nam - Đông Âu do Bộ công thương tổ chức.

Thứ trưởng Bộ công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, các nước khu vực Đông Âu là thị trường truyền thống quan trọng của Việt Nam. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam năm 2018, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước khu vực Đông Âu chỉ đạt 10,1 tỷ USD, chỉ chiếm 2,65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa các bên.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng rất đáng mừng, tăng 30,53% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD tăng 28,67% và nhập khẩu đạt 3,6 tỷ USD tăng gần 33,97%.

Nga là quốc gia hàng đầu xuất khẩu lúa mì sang Việt Nam

Ông Dmirtriy Makarov, đại diện cơ quan thương mại Nga tại Việt Nam, Trưởng chi nhánh tại TP.HCM cho biết, Hiệp định thương mại tự do được ký kết giữa Liên minh kinh tế Á-Âu và Việt Nam được kí kết năm 2015. Kết quả năm 2018 cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Nga và Việt Nam đạt 6 tỷ USD, tăng 16,4 % so với năm 2017 và 58% so với năm 2016.

Theo ông Makarov, gần đây càng nhiều công ty Việt Nam bắt tay hợp tác với các đối tác Nga. Nếu trong năm 2017 có 2.200 сông ty Việt Nam có giao dịch xuất nhập khẩu với những công ty Nga thì trong năm 2018 tăng lên 3.500.

Riêng cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Nga và Việt Nam, mặt hàng chủ yếu xuất khẩu từ Nga vào Việt Nam là than, xăng, dầu nhớt, phân bón, hóa chất, sắt thép. Năm 2018, Nga xuất khẩu lúa mì sang thị trường Việt Nam giữ vị trí dẫn đầu tại Việt Nam về mặt hàng này.  

Xuất khẩu Nga vào Việt Nam vẫn tăng nhanh 29%, trong khi tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam vào Nga từ 35% vào năm 2017 đến năm 2018 giảm còn 9%.  

Tỷ lệ hàng may mặc trong kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vào Nga trong suốt năm ngoái bị giảm từ 19,3% còn 18,7%, còn tỷ lệ thiết bị điện tử lại tăng từ 60,3% lên 61,6%. Tỷ lệ nông sản vẫn giữ nguyên, nhưng trong đó thủy sản mất 10% kim ngạch. Sự mất mát xuất khẩu thủy sản được bù đắp bằng trái cây tươi mà thời gian gần đây tràn lan vào thị trường Nga với sản lượng khá nhiều.

Ông Dmirtriy Makarov, đại diện cơ quan thương mại Nga tại Việt Nam, Trưởng chi nhánh tại TP.HCM  trao đổi cùng DN tại diễn đàn 

Thủy sản Việt "thua" Thái Lan do giá cao

Vì sao nhập khẩu hàng may mặc của Việt Nam giảm? Ông Makarov cho biết do những biện pháp phòng vệ theo ngưỡng mà Ủy ban Liên minh kinh tế Á-Âu thông qua đối với quần áo lót và trẻ em của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay các biện pháp này đã được chấm dứt hiệu lực.  

Hiện nay ngành dệt may Việt Nam có mức phát triển khá cao và có đủ khả năng xuất khẩu hàng hóa với thương hiệu Việt Nam. Những thương hiệu quần áo như An Phước, Việt Tiến, BluExchange, Ninomaxx, Juno, Ren hoặc hãng giầy Bitis nổi tiếng ở Việt Nam không kém gì hàng phương tây về thời trang và chất lượng nhưng vẫn chưa được biết tại thị trường Nga. Hàng thương hiệu Việt Nam có sức cạnh trạnh rất nhiều, với một điều kiện nữa là các thương hiệu này phải có đủ size thích hợp với người Nga.

Nguyên nhân thứ hai có thể ảnh hưởng đến việc giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam vào Nga là giá thủy sản Việt Nam cao hơn giá cạnh tranh ở các nước Đông Nam Á, trước hết là Thái Lan. Lý do là giá thức ăn thủy sản ở Việt Nam cao hơn nhiều. Đây là yếu tố ảnh hưởng đến lượng hàng thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu đi Nga.

“Nói về thủy sản xuất khẩu, tôi muốn lưu ý các nhà sản xuất Việt Nam là nguyên liệu làm thức ăn thủy sản rất tốt được sản xuất ở Nga là Artemia u nang. Nước Nga có nguồn thiên nhiên rất lớn và có thể cung cấp với giá cả hợp lý. Sản phẩm này sẽ giúp giá thành thủy sản Việt Nam có thể giảm sau đó sẽ tăng trưởng xuất khẩu vào Nga” ông Dmitriy Makarov gợi ý.

Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do EVFTA và đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để tiến tới ký kết và phê chuẩn trong thời gian tới.

Trong tương lai, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Liên minh Châu Âu và Liên minh kinh tế Á-Âu sẽ góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ các hàng rào thương mại, thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam với các nước Châu Âu nói chung, khu vực Đông Âu nói riêng. Tăng cơ hội xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ giữa Việt Nam và các nước khu vực Đông Âu. Đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, rau quả tươi và chế biến, hàng điện tử và linh kiện điện tử, dệt may và da giày…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm