Người dân TP.HCM có thể mua hàng trực tuyến tại hơn 2.500 điểm bán

Thông tin từ Bộ Công Thương: Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân trong trường hợp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành chủ động xây dựng các phương án ứng phó để sẵn sàng cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội theo các cấp độ diễn biến của dịch bệnh.

Báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM cho biết, hiện nay tình hình thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP.HCM cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dân, giá cả hàng hóa không có biến động lớn.

Nguồn cung của các doanh nghiệp phân phối vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. 

Các nhà bán lẻ, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường được yêu cầu luôn sẵn sàng dự trữ và cung ứng hàng hóa tương ứng với từng kịch bản phòng chống dịch COVID-19 của thành phố.

Sở Công thương TP.HCM khuyến khích người dân mua hàng trực tuyến. 

TP.HCM hiện có khoảng 237 chợ, 236 siêu thị, 45 trung tâm thương mại và trên 2.700 cửa hàng bán lẻ.

Ghi nhận thực tế tại một số điểm bán, siêu thị Co.opmart, Tops Market, MM Mega Market… cho thấy hàng hóa được chuẩn bị khá đa dạng. 

Bên cạnh đó, sở cũng khuyến cáo và thông tin đến người dân hệ thống phân phối hàng hóa vẫn hoạt động liên tục, người dân không nên mua hàng tích trữ, tập trung đông người gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Người dân có thể lựa chọn hình thức mua hàng trực tuyến tại 2.550 điểm bán hàng các mặt hàng thiết yếu có giao hàng tận nhà như danh sách Sở Công Thương đã công bố tại:  http://congthuong.hochiminhcity.gov.vn/documents/10190/4373463/DANH%20SACH%20DIEM%20BAN%20THIET%20YEU%20ST%20CH%20ONLINE.pdf

Cùng với các hệ thống phân phối hiện đại, ba chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức lượng hàng nông sản cung ứng cho thị trường TP.HCM vẫn đảm bảo.

Tại chợ Bình Điền, lượng hàng về chợ đạt khoảng 2.175 tấn/đêm, trong đó thịt gia súc đạt khoảng 175 tấn/đêm; 1.100 tấn rau củ quả và 900 tấn thủy hải sản. Chợ đầu mối Thủ Đức, lượng rau củ quả và trái cây các loại dao động ở mức 3.200-3.300 tấn/đêm, giá ổn định…

Đáng chú ý, tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa TP.HCM và 22 tỉnh thành ở Nam bộ ngày 17-6, Sở Công Thương TP.HCM và các địa phương đã thống nhất thiết lập đường dây nóng để tập trung xử lý các trường hợp khó khăn phát sinh liên quan đến công tác phòng chống dịch và vận chuyển, cung ứng hàng hóa.

Sở cũng đã trao đổi, cập nhật thông tin với các đơn vị chủ quản các hệ thống siêu thị, cửa hàng lương thực, thực phẩm của thành phố về tình hình các điểm bán lẻ đang bị phong tỏa, cách ly để chủ động trong công tác chuẩn bị nguồn hàng, bảo đảm hoạt động cung ứng mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay bộ vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương TP.HCM để bảo đảm điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường, xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa kịp thời nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm