Người dân không còn chen chúc đi mua hàng ở siêu thị

Ngày 2-6, ghi nhận tại một số chợ cho thấy các ngành hàng không thiết yếu được tiểu thương chủ động tạm nghỉ chống dịch. Một số tiểu thương thông báo dù tạm đóng cửa nhưng vẫn đóng hàng, bán hàng qua mạng bình thường...

Ông Thái Bình Sơn, Trưởng ban quản lý chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), cho biết, toàn chợ có khoảng 619 hộ kinh doanh. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, phần lớn các tiểu thương ngành hàng thời trang tạm nghỉ bán.

Theo ông Sơn, tiểu thương theo dõi thông tin và biết về nguy cơ lây nhiễm của COVID-19 đợt này nguy hiểm hơn năm trước nên mọi người đều tự bảo vệ mình chủ động tạm nghỉ bán. 

Ghi nhận tại chợ sỉ Bình Tây (quận 6) phần lớn các ngành hàng gia vị, thực phẩm chế biến... tiểu thương vẫn kinh doanh bình thường, chỉ có các sạp bán vải, thời trang là tạm đóng cửa.

Tương tự tại các đường xung quanh chợ Tân Bình như Tân Tiến, Lê Minh Xuân… các sạp vải vẫn mở bán. Tuy nhiên, bên trong chợ mới hơn 11 giờ trưa hầu hết các sạp đều đóng cửa, thông báo nghỉ chống dịch. 

Các sạp bán áo dài may sẵn ở chợ Phạm Văn Hai tạm đóng cửa

“Các sạp cho biết tạp đóng cửa 15 ngày tránh dịch. Nếu mở sạp lúc này chắc cũng không có khách đến. Một số tỉnh việc lưu thông khó khăn nên các mối mang cũng không lấy hàng” - chị H tiểu thương kinh doanh quần áo cho biết.

Bà Thái Trang, kinh doanh thời trang tại chợ An Đông 1 chia sẻ năm ngoái, khi lần đầu tiên chợ thực hiện giãn cách 22 ngày, tiểu thương chấp hành tốt, không bán buôn trong những ngày đó. Năm nay cũng vậy, do toàn bộ hàng hóa đều để ở chợ nên trong lúc tạm nghỉ nếu có khách đặt hàng cũng không ra chợ lấy để giao được.

“Việc đóng cửa bị thất thu là không nhỏ nhưng quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho cả cộng đồng nên tất cả tiểu thương đều tuân thủ” - bà Trang nói.

Các sạp vải tại chợ Bình Tây chỉ còn lác đác vài sạp mở cửa

Theo ông Đinh Hồ Duy Ngọc, Trưởng ban quản lý chợ An Đông, việc tạm dừng hoạt động chợ là thực hiện theo công văn của UBND TP.HCM về triển khai tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng dịch COVID-19 việc kinh doanh tại chợ của bà con thương nhân chậm cùng với diễn biến của dịch phức tạp và để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bà con thương nhân, việc tạm dừng hoạt động tại chợ được bà con đồng thuận.

Một số hình ảnh ghi nhận được trong ngày 2-6

Con đường thời trang "hot" nhất chợ Phạm Văn Hai vắng lặng trong ngày 2-6.

Tiểu thương kinh doanh thực phẩm tươi sống vẫn mở bán phục người dân 

Chợ An Đông thông báo tạm ngưng hoạt động 15 ngày kể từ 31-5.

Hoạt động mua bán tại chợ Bình Tây ở các ngành hàng khác vẫn diễn ra bình thường. 

Thông báo tạm nghỉ của tiểu thương chợ Tân Bình.

Một sạp đang dọn chuẩn bị tạm nghỉ

Một số sạp chợ Tân Bình đóng hàng cho các mối. 

Các sạp quần áo ở các khu A,B, C chợ Tân Bình đều tạm đóng cửa.

Người dân không còn mua tích trữ hàng hóa

Sở Công Thương TP.HCM cho biết, ngày 2-6 sức mua tại các chợ trên địa bàn TP.HCM giảm nhẹ 5% so với hôm qua. Nguyên nhân do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số thương nhân các ngành hàng quần áo, giày dép... tạm nghỉ khiến cho lượng khách đi chợ mua sắm các mặt hàng này giảm.

Nếu so với ngày thường, sức mua giảm 30% -60%. Trong đó ngành hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm giảm 10%-30%, ngành hàng khác giảm 50% - 80%. Riêng tại quận Gò Vấp, sức mua giảm 60%- 70% so với ngày thường trước dịch.

Tính đến 16 giờ, ghi nhận mãi lực tại hệ thống siêu thị tương đương so với hôm qua và ước đạt 50% so với ngày thường.

Lượng khách đến mua sắm tại hệ thống siêu thị có xu hướng giảm do chuyển sang hình thức mua hàng trên các trang trực tuyến, đặt hàng tại siêu thị, giao hàng tại nhà.

Bên cạnh đó, người dân không còn tâm lý thu gom tích trữ hàng hóa. Hiện tại nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu tại hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố đảm bảo dồi dào, phong phú và được bổ sung liên tục lên các quầy kệ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nguồn cung hàng đang dồi dào và giá tốt nhờ sự chung tay của các nhà cung cấp và tạo điều kiện của các cơ quan chức năng. 

Ngoài ra, các nhu yếu phẩm, hàng bình ổn giá, hàng khô, hàng đông lạnh đã được chuẩn bị một lượng lớn để cung cấp ra thị trường đều đặn trong sáu tháng tới mà không lo bị thiếu hàng.

Thực phẩm tươi sống cũng đang có nguồn cung cấp ổn định, cộng thêm giao thông vận chuyển thông suốt cũng sẽ không có biến động đáng kể trong vài tháng tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm