Ngoài Khaisilk, khách còn than phiền về sơn mài Việt

“Mục đích hoàn thuế là tạo điều kiện cho du khách mua sắm các mặt hàng sản xuất ở Việt Nam. Thứ hai là thêm quyền lợi để thu hút họ đến Việt Nam, không nên coi đây là sự ban phát cho khách". 

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, phát biểu như trên tại hội thảo Tháo gỡ vướng mắc về hoàn thuế VAT cho du khách nước ngoài,  do báo Thanh Niên tổ chức ngày 6-12.

Ông Phan Đình Huê nói tiếp: "Chúng tôi thăm dò du khách của mình, điều họ sợ nhất không phải là giá cả mà hàng giả, hàng nhái, hàng không kiểm định chất lượng. Chẳng hạn có khách châu Âu mua hàng sơn mài về dùng một thời gian, họ gửi email than phiền hàng bị bong tróc, hư. Ngay cả Khaisilk, thương hiệu lớn Việt Nam nhưng không có ai kiểm định, làm hỏng toàn bộ việc đưa thương hiệu hàng Việt Nam ra du khách nước ngoài”.

Hàng giả uy hiếp du khách

Theo ông Huê, Việt Nam chưa có chính sách bảo vệ khi du khách mua phải hàng giả, hàng nhái… nên họ chỉ mua các món hàng có trị giá vài chục USD thì không có nhu cầu hoàn thuế. Mặt khác, Việt Nam không phải là điểm đến mua sắm nên du khách không quan tâm đến việc hoàn thuế VAT.

Trong khi đó, TS-luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế và pháp lý, chỉ ra việc làm giả hay bán hàng giả, nhập hàng Trung Quốc về gắn mác thương hiệu Việt bán trôi nổi trên thị trường. Tuy nhiên, như trường hợp Khaisilk, một thương hiệu lớn đi nhập hàng Trung Quốc về gắn mác của mình để bán vừa qua, đã làm mất uy tín cho thương hiệu hàng Việt rất nhiều.

“Việc này khiến du khách quốc tế sẽ gặp nhiều khó khăn khi hoàn thuế GTGT tại chín cửa khẩu quốc tế. Vì chất lượng hàng mua không đúng với nội dung kê khai trên hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế. Hóa đơn giả mạo hoặc không đúng hóa đơn khấu trừ ở các cửa hàng bán hàng không được hoàn thuế VAT…” - ông Tín nhấn mạnh.

PGS-TS Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam, dẫn chứng kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2004 cho thấy mức chi tiêu trung bình của một khách du lịch quốc tế khi du lịch ở Việt Nam là 1.283,3 USD, thấp hơn một số quốc gia trong khu vực tại cùng thời điểm như Thái Lan là 1.865 USD, Singapore là 2.670 USD…

Bên cạnh đó, trong tổng số chi tiêu trung bình của khách du lịch ở Việt Nam, chi tiêu cho mua sắm cũng khá thấp, chỉ khoảng 16,6% trong khi ở Thái Lan là 19,6%, ở Singapore là 22,3%...

Theo ông Lương, có nhiều nguyên nhân nhưng có thể kể đến là các thủ tục đến hoàn thuế VAT cho khách du lịch còn khá phức tạp, chưa có sự thống nhất như các mặt hàng được hoàn thuế; mẫu hóa đơn hoàn thuế, quy trình thủ tục hải quan.

Việc hướng dẫn các thủ tục hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp và khách du lịch cũng còn chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, nhiều khách du lịch quốc tế đã không được hoàn thuế VAT tại các cửa khẩu khi làm thủ tục rời Việt Nam.

Mặt khác, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hàng giả còn khá phổ biến ở Việt Nam, ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp Việt trong mắt khách du lịch quốc tế. Việc phát hiện doanh nghiệp Khaisilk trà trộn hàng lụa Trung Quốc để bán cho du khách là một ví dụ điển hình.

Du khách sợ nhất là hàng giả, hàng nhái.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Theo Sở Du lịch TP.HCM, tính đến ngày 30-11, ở thành phố có 649 cửa hàng của 80 doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình hoàn thuế. Năm 2017 số tiền hoàn thuế là 35,5 tỉ đồng, năm 2016 là 44 tỉ đồng.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng hiện việc hoàn thuế cho du khách vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam với chín cửa khẩu hoàn thuế; điểm bán chủ yếu vẫn ở TP.HCM. Trong khi đó, việc hoàn thuế VAT trên thế giới là phổ biến. Chẳng hạn Singapore xem hoàn thuế là lợi thế cạnh tranh.

Theo đó, các trung tâm thương mại đều có bộ phận dịch vụ hoàn thuế. Du khách sử dụng dịch vụ khai báo điện tử eTRS rất thuận tiện, hoàn thuế tiền mặt tại sân bay cũng dễ dàng. Hàn Quốc từ năm 2016 đã thực hiện hoàn thuế cho du khách ngay tại cửa hàng. Tương tự, Nhật có chính sách hoàn thuế rất thoáng, hoàn thuế ngay tại cửa hàng, du khách không phải khai báo tờ khai.

Lý giải điều này, ông Tín nhận xét qua thời gian triển khai hoàn thuế VAT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh theo Thông tư 72/2014 của Bộ Tài chính. Số lượng DN tham gia bán hàng hoàn thuế và số tiền hoàn lại khá ít cho thấy chính sách này chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của các DN, cửa hàng tại Việt Nam còn thiếu minh bạch, chất lượng hàng hóa, dịch vụ còn kém. Vì nếu muốn tham gia, DN phải minh bạch về sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng… cũng như phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật…

Ông Lê Tuấn Bình, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất, nhìn nhận một ngày có 40.000 lượt người xuất nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó xuất cảnh gần 20.000 người. Nhưng chỉ có hơn chục người làm thủ tục hoàn thuế từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Một ngày tổng cộng hoàn tiền chưa đến 100 triệu đồng. Cho thấy lượng khách có nhu cầu hoàn thuế là quá ít.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm