Ngành nào hưởng lợi ít nhất khi châu Âu miễn thuế?

Công ty Công ty chứng khoán Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) vừa công bố báo cáo cho rằng, do ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam không chịu nhiều thuế xuất khẩu (mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là đồ gỗ thành phẩm, thuế suất từ 0%-2%), do đó hiệp định EVFTA không có tác động quá nhiều đến ngành gỗ. 

Những doanh nghiệp xuất khẩu lớn như GDT (sản phẩm xuất khẩu vào châu Âu chiếm khoảng 3%-5%), PTB (10%-15%) có thể tận dụng lợi thế về việc sản phẩm gỗ có xuất xứ để tăng tỉ trọng xuất khẩu vào châu Âu.

Ngoài ra, việc giảm thuế về 0% cho các sản phẩm máy móc giúp các doanh nghiệp gỗ có thể tiếp cận được máy móc tân tiến với giá cả thấp hơn, từ đó nâng cao năng lực ngành gỗ của Việt Nam.

Ngành hàng thứ 2 mà BSC cho rằng cũng không hưởng lợi nhiều là thủy sản. Theo BSC, sau khi EVFTA được ký kết, các sản phẩm cá tra hiện đang chịu mức thuế 9% sẽ được giảm về 0% với lộ trình 3 năm.

Với mức thuế cơ bản hiện tại ở mức thấp, cùng với thời gian giảm về 0% khá dài, tác động của việc giảm thuế trong mỗi năm không tạo ra ảnh hưởng đột biến. Tuy nhiên xét về mặt tâm lý điều này có thể giúp các doanh nghiệp cá tra có thêm nhiều lựa chọn về thị trường xuất khẩu, qua đó cải thiện giá trị xuất khẩu sang EU.

EVFTA sẽ có tác động tích cực đến dệt may Việt Nam trong dài hạn bởi 42,5% dòng thuế áp dụng đối với dệt may Việt Nam sẽ giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, còn lại sẽ giảm về 0% sau 3-7 năm, giúp dệt may Việt Nam cạnh tranh hơn với các sản phẩm từ Bangladesh và Campuchia, hiện đang được hưởng thuế GSP 0%. 

Trong ngắn hạn, khả năng cạnh tranh của dệt may Việt Nam tại thị trường EU có thể được cải thiện nhờ những yếu tố ngoài hiệp định như: Campuchia bị đưa ra khỏi diện hưởng thuế ưu đãi GSP do không đảm bảo được các vấn đề nhân quyền và lợi ích của lao động và trường hợp mức lương ở Bangladesh tăng mạnh.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ phía các doanh nghiệp trong nước và các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, hiệp định EVFTA đối với ngành dệt may sẽ là một cú hích đối với các doanh nghiệp có tỉ trọng xuất khẩu lớn qua EU.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm