Ngành cá tra Việt Nam 2012: Thách thức lớn nhất vẫn là vốn nuôi

Ngày 7-2, tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL họp tổng kết công tác năm 2011 và bàn biện pháp triển khai nhiệm vụ năm 2012 với sự chủ trì của ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Trưởng ban Chỉ đạo.

Chưa mừng với 1,8 tỉ USD xuất khẩu

Theo báo cáo, tính đến cuối tháng 12-2011, tổng diện tích nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL đạt khoảng 5.430 ha. Sản lượng cả năm đạt trên 1,195 triệu tấn, xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch trên 1,8 tỉ đô la (tăng 26,5% so với năm 2010). Tính đến nay, cá tra Việt Nam đã xuất sang 135 thị trường trên thế giới, trong đó chủ lực vẫn là thị trường EU, Mỹ, ASEAN, Brazil…

Năm 2011, mối liên kết trong chuỗi sản xuất cá tra có nhiều chuyển biến và xuất hiện nhiều mô hình liên kết hoạt động có hiệu quả. Như mô hình liên kết chuỗi tại An Giang; các mô hình liên kết, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất... Tuy nhiên, sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ ở một số tỉnh chưa thực sự chặt chẽ; hợp đồng cung cấp và thu mua sản phẩm giữa doanh nghiệp (DN) với nông dân được ký kết nhưng chưa hiệu quả. Nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các DN chế biến xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VASEP, trong năm 2011, điều làm được lớn nhất của ngành cá tra là chuỗi sản suất gồm con giống - thức ăn - nuôi trồng - chế biến xuất khẩu có tỉ lệ tập trung hóa cao với trên 70% sản lượng cá tra do các DN tự nuôi hay liên kết với nông dân nuôi. “Năm 2011, chúng ta xuất khẩu cá tra đạt hơn 1,8 tỉ USD nhưng người Việt Nam hưởng bao nhiêu phần trăm trong đó? Chúng ta chưa đánh giá hiệu quả từng khâu như nuôi trồng, sản xuất chế biến, tiêu thụ… Có lẽ từ năm 2012, chúng ta nên đánh giá dựa trên hiệu quả, chứ không nên đánh giá theo số lượng, kim ngạch xuất khẩu” - ông Dũng nêu vấn đề.

Ngành cá tra Việt Nam 2012: Thách thức lớn nhất vẫn là vốn nuôi ảnh 1

Tình trạng DN chiếm dụng vốn của người nuôi cá vẫn chưa có biện pháp xử lý tới nơi tới chốn. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch cá ở Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: GT

Yếu nhất là sản xuất giống

Ông Nguyễn Hữu Dũng cũng thẳng thắn đề nghị Bộ NN&PTNT nên nhìn nhận khâu yếu nhất hiện là sản xuất giống. “Giống xấu không thể có cá tốt nhưng có rất ít DN đầu tư sản xuất giống mà chủ yếu để nông dân tự làm với quy mô nhỏ lẻ” - ông Dũng nói.

Về vấn đề này, theo Tổng cục Thủy sản, toàn vùng ĐBSCL có trên 220 cơ sở sản xuất giống (cho sinh sản nhân tạo). Trong năm vừa qua, sản lượng cá giống toàn vùng đạt xấp xỉ 2,4 tỉ con, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho nuôi thương phẩm. Chất lượng cá giống giảm là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả nuôi chưa cao, tốc độ tăng trưởng trong quá trình nuôi thương phẩm chậm, bệnh xuất hiện nhiều hơn so với năm 2010. Nguyên nhân chính là do chất lượng đàn cá bố mẹ bị thoái hóa, lai cận huyết, một số cơ sở sản xuất cho đẻ ép, đẻ non và đẻ nhiều lần trong năm. “Để từng bước thay thế đàn cá tra bố mẹ hiện nay, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II đã cơ bản hoàn thành dự án “Chuyển giao đàn cá bố mẹ có tính trạng di truyền cao”. Hiện đã bàn giao 85.000/100.000 con cá bố mẹ hậu bị cho các địa phương để tạo nguồn cá giống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người nuôi” - ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết.

Căng thẳng về vốn

Ngoài cá giống, vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu quan tâm nhất là nguồn vốn để nuôi trồng và chế biến cá tra. Các đại biểu cho rằng nông dân thiếu vốn để nuôi cá đã đành, vậy mà hiện nay DN cũng thiếu vốn.

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương, nói: “Năm 2012, vấn đề chính là thiếu vốn để đầu tư nuôi cá, đây là nỗi lo lớn”. Theo ông Minh, để đầu tư 1 ha nuôi cá tra chỉ riêng vốn cá giống đã khoảng 1,4 tỉ đồng, thời gian nuôi lại dài nhưng hạn mức cho vay đối với nông dân thì rất hạn chế. Năm 2012 để đảm bảo chỉ tiêu 1,3 triệu tấn nguyên liệu, nguồn vốn phục vụ nuôi trồng cần khoảng 26.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, thời gian nuôi cá tra kéo dài 8-10 tháng mới thu hoạch, trong khi vốn vay vừa hạn chế, lại rơi vào ngắn hạn (6-9 tháng).

Nông dân Võ Văn Thanh (người nuôi cá tra ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp) cho biết: “Việc vay vốn hiện nay chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp nhiều hay ít nhưng vốn vay ngân hàng chỉ đáp ứng chưa tới phân nửa chi phí đầu tư”. Theo tính toán của ông Thanh, với 1 ha mặt nước đầu tư nuôi để cho ra 300 tấn cá nguyên liệu phải đầu tư khoảng 6,3-6,6 tỉ đồng nhưng ngân hàng chỉ cho vay hơn 1 tỉ đồng”.

Chia sẻ khó khăn này, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, kiến nghị: “Vay vốn phải thế chấp tài sản là đất nuôi trồng, tài sản khác nhưng cần thiết thì ngân hàng linh động xem xét cho người nuôi cá thế chấp sản phẩm là con cá đang nuôi. Sắp tới, Cần Thơ sẽ xem xét để đề xuất vấn đề này với Ngân hàng Nhà nước”.

Người nuôi cá đã thiếu vốn, lại còn bị một số DN chiếm dụng vốn khi thu mua cá nhưng chậm thanh toán 1-3 tháng. Ông Lê Chí Bình, Hiệp hội Thủy sản An Giang, bức xúc: “Vẫn chưa có biện pháp xử lý một số DN chiếm dụng vốn của người nuôi. Từng có đề xuất hợp đồng mẫu nhưng chưa quy định rõ khi DN vi phạm thì ai xử lý. Nếu đưa ra tòa dân sự  thì phải mất 3-6 tháng, xử xong lại phải chờ thi hành án. Như vậy là chết nông dân rồi!”.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, năm 2011, doanh số cho vay nuôi trồng, chế biến cá tra ở vùng ĐBSCL trên 44.500 tỉ đồng, tăng 27% so với năm 2010. Tính đến cuối năm 2011, dư nợ cho vay thu mua, chế biến cá tra là 12.651 tỉ đồng… Năm 2012, ngân hàng tiếp tục hỗ trợ, ưu tiên vốn cho nông nghiệp, nông thôn trong đó có lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Tạo nhiều thuận lợi cho người nuôi

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Năm 2012 tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả của con cá tra nhằm duy trì và mở rộng thị trường. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp cụ thể hơn, tạo điều kiện vốn cho DN, người nuôi cá. Kiến nghị Bộ Tài chính xem xét hoàn thuế VAT cho người nuôi cá. Thuế môi trường, phí kiểm tra chất lượng của DN sẽ xem xét tính hợp lý của từng loại phí để điều chỉnh phù hợp”.

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm