Ngân hàng nhỏ rục rịch lên sàn

Nếu trước kia việc lên sàn chứng khoán chỉ có các ngân hàng lớn thì hiện nay nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ cũng rục rịch tính chuyện đưa cổ phiếu lên niêm yết.

Chạy đua lên sàn

Ông Trương Hoàng Lương, Tổng Giám đốc Ngân hàng Cổ phần Kiên Long, cho biết ngày 14-12 vừa qua, trong đại hội cổ đông, các cổ đông đã thông qua nghị quyết đưa cổ phiếu Kiên Long lên niêm yết ở sàn TP.HCM. Thời điểm niêm yết giao cho hội đồng quản trị tự quyết định.

Không chỉ Kiên Long mà trong tháng 12 này, cổ đông Ngân hàng Cổ phần Phương Đông cũng thông qua phương án niêm yết cổ phiếu và kế hoạch sẽ lên sàn TP.HCM trong năm 2010.

Còn trước đó, Ngân hàng Cổ phần Nam Việt (NamVietBank), Ngân hàng TMCP Miền Tây cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho niêm yết cổ phiếu ở sàn chứng khoán Hà Nội và TP.HCM.

Ngân hàng nhỏ rục rịch lên sàn ảnh 1

Cổ phiếu ngành tài chính-ngân hàng bao giờ cũng được các nhà đầu tư ngoại đánh giá cao. Ảnh minh họa: MAI THẢO

Những ngân hàng chính thức niêm yết cổ phiếu đều công bố, bên cạnh đó còn nhiều ngân hàng nhỏ khác dù chưa đưa ra đại hội cổ đông để biểu quyết nhưng những người đứng đầu ngân hàng cũng đã đánh tiếng sẽ niêm yết cổ phiếu lên sàn trong vài năm tới.

Thử làm tổng kết nhỏ với làn sóng đua nhau niêm yết cổ phiếu như trên thì hiện cũng có gần 10 ngân hàng nhỏ đang gấp rút làm thủ tục lên sàn.

Sàn nào cũng hấp dẫn

Trước việc nhiều ngân hàng nhỏ dồn dập chuẩn bị lên sàn, dư luận đang bàn tán về việc những ngân hàng này khát vốn.

Tuy nhiên, tổng giám đốc một ngân hàng có cổ phiếu chuẩn bị niêm yết cho biết nếu cho rằng các ngân hàng có quy mô nhỏ đưa cổ phiếu lên sàn là để chữa cơn khát vốn là không đúng. Bởi vì muốn lên sàn, họ phải đáp ứng yêu cầu phải có số vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nếu đã có số tiền này trong tay thì sao gọi là khát vốn nữa. “Thực chất việc đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết là để làm thương hiệu và mặt khác tạo tính thanh khoản cho cổ đông nắm giữ cổ phiếu” - vị giám đốc này chia sẻ.

Cũng theo vị này, thời gian qua có ngân hàng đăng ký niêm yết lên sàn UpCom rồi sau đó hủy để chuyển sàn, việc này cũng không phải là tính toán sàn nào có uy tín hơn mà ở đây là vấn đề tính toán về giá.

“Nếu niêm yết ở sàn UpCom thì ngân hàng có thể bán cổ phần cho đối tác chiến lược và chủ động đưa ra mức giá chào bán, còn khi niêm yết ở sàn Hà Nội hay TP.HCM thì nhà đầu tư ngoại có thể mua gom trên sàn với giá thị trường và giá này có thể thấp hơn giá bán cho đối tác chiến lược”.

Chờ đợi cổ phiếu vua

Trước thông tin nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ chuẩn bị chào sàn, chị Vân Anh, nhà đầu tư chứng khoán (quận 3, TP.HCM), cho biết là một tín hiệu tốt cho thị trường khi mà năm mới kênh chứng khoán hứng nhiều thông tin xấu như áp thuế thu nhập cá nhân trong đầu tư cổ phiếu....

“Dù gì thì cổ phiếu của ngành ngân hàng một thời cũng được xem là cổ phiếu vua. Mặt khác, xét về mọi phương diện thì hoạt động ngành ngân hàng bao giờ cũng minh bạch hơn so với hoạt động các ngành khác mà trong đầu tư, vốn minh bạch là yếu tố hấp dẫn hàng đầu” - chị Anh chia sẻ.

Tương tự, anh Phương Bình, nhà đầu tư chứng khoán ở sàn SSI (quận 1), cũng cho rằng: “Hiện tại, tính trên hai sàn TP.HCM và Hà Nội thì mới có sáu ngân hàng niêm yết. Xét về thực lực của ngành ngân hàng thì việc có bấy nhiêu cổ phiếu niêm yết là quá ít".

Chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí:

Nhà đầu tư sẽ mua được nhiều cổ phiếu tốt

Việc thêm nhiều cổ phiếu vua lên sàn sẽ rất có lợi vì không chỉ giúp nhà đầu tư mua được cổ phiếu tốt với giá hợp lý, đồng thời bản thân ngân hàng cũng có thể huy động được vốn để phục vụ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng trên sàn sẽ giúp thị trường minh bạch hơn vì khi có cùng nhiều mã chứng khoán trong cùng một ngành tham gia hút vốn thì thị trường sẽ bớt đi hiện tượng cổ phiếu tăng giá nóng.

Ông Phạm Minh Tuấn, Trưởng phòng Môi giới Công ty Chứng khoán Saigonbank Berjaya:

Sẽ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Thêm cổ phiếu ngân hàng lên sàn sẽ giúp kênh chứng khoán hấp dẫn khối nhà đầu tư ngoại. Kênh chứng khoán Việt Nam ra đời chỉ khoảng 10 năm. Với một thị trường tài chính mới nổi như vậy thì khi có thêm các ngân hàng lên sàn sẽ là nhân tố tiên phong hấp dẫn các nhà đầu tư, các tổ chức, đặc biệt là các quỹ đầu tư lớn trên thế giới rót vốn vào Việt Nam.

BÙI NHƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm