Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về việc Fed tăng lãi suất

Rạng sáng nay (17-12, theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản từ mức tiệm cận 0% lên thêm 0,25%. Theo đó, mức lãi suất mới mà Mỹ áp dụng sẽ dao động từ 0,25% đến 0,5%.

Trong bối cảnh đó, vấn đề tỉ giá được các chuyên gia và thị trường quan tâm. Lãi suất mấy ngày qua đã tăng kịch trần và trên thị trường tự do đã vượt quá 23.000 đồng/USD.

Trao đổi với báo giới sáng nay, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tỉ giá tăng lên kịch trần mấy ngày vừa qua chủ yếu do yếu tố tâm lý trước kỳ họp của FED và giảm giá của đồng nhân dân tệ (NDT). 

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Trà Phương 

Bà Hồng cho rằng cung cầu qua theo dõi trên thị trường vẫn diễn ra bình thường, mặc dù tăng kịch trần nhưng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp không có gì đột biến. 

“Chỉ có sáng nay, sau khi FED công bố điều chỉnh lai suất, tỉ giá thị trường có tăng lên nhưng giờ đã giảm, giao dịch mua bán lại diễn ra bình thường. Nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp và người dân được tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đầy đủ” - Bà Hồng cho biết.

Bà Hồng khẳng định NHNN có cơ sở khẳng định cung cầu ngoại tệ vẫn diễn ra bình thường, không có đột biến. Trong tháng 10, cả nước xuất siêu 500 triệu USD và tháng 11 tiếp tục xuất siêu 260 triệu USD. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI, kiều hối vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam.

Theo bà Hồng, quyết định nâng lãi suất đồng USD của FED gần như đã được thể hiện trong diễn biến tăng tỉ giá từ cuối năm 2014 và đầu 2015. Hơn nữa, tại Việt Nam hiện nay, dòng vốn ngắn hạn chiếm thị phần ít, còn lại chủ yếu là dòng vốn trung dài hạn vì thế nhìn chung tác động thực sự của FED không phải là ngay lập tức mà sẽ tác động từ từ.

Lãnh đạo NHNN khẳng định thêm, phương châm của cơ quan điều hành xuyên suốt thời gian qua và sắp tới là kết hợp tỉ giá và lãi suất nâng cao lợi tức nắm giữ của VND, mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, tìm ra giải pháp điều hành tốt, tiến hành thanh tra giám sát chặt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm