'Ngân hàng cho vay khi làm ăn tốt, từ chối khi DN khó khăn'

Ngày 23-12, báo Người lao động tổ chức toạ đàm Kết nối doanh nghiệp du lịch và ngân hàng-Gỡ khó về chính sách.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương cho thấy khoảng 1/5 tổng cơ sở lưu trú trên toàn quốc phải dừng hoạt động, đóng cửa; 1/3 số cơ sở lưu trú trên toàn quốc phải hoạt động cầm chừng.

Doanh thu của các điểm tham quan vui chơi giải trí giảm 60%. Đối với doanh nghiệp (DN) lữ hành chỉ bố trí 30% nhân sự trực tại công ty; nhân viên được cho nghỉ không lương hoặc giảm đến 80% lương.

Tính đến 3-12 có trên 382 lữ hành xin thu hồi giấy phép. Năm 2020, ngành du lịch thiệt hại 23 tỉ USD.

Theo ông Chung, ngành du lịch sẽ tiếp tục kiến nghị xem xét có chính sách lùi thời gian trả lãi suất vay ngân hàng, áp dụng đến tháng 12-2021. Kiến nghị tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ vay, không tính vay quá hạn…

Doanh nghiệp và lãnh đạo Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch tại toạ đàm. Ảnh: TÚ UYÊN

Liên quan đến vấn đề khó khăn trong tiếp cận vay vốn ngân hàng, ông Trương Quang Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty CP Du thuyền Viet Princess, cho biết đầu tư bốn du thuyền theo tiêu chuẩn năm sao trên sông Mê Kông và sông Sài Gòn với vốn trên 200 tỉ đồng. Sau khi khấu hao năm năm, bốn chiếc du thuyền trị giá 180 tỉ đồng, doanh thu hàng năm 150 tỉ đồng, lợi nhuận 25 tỉ/năm.

"Hằng năm công ty gửi vào hai ngân hàng thương mại mỗi ngân hàng hơn 100 tỉ đồng. Khi công ty làm ăn được các ngân hàng luôn muốn cho vay nhưng lúc chúng tôi bị ảnh hưởng dịch đi vay thì phía ngân hàng đánh giá là ngành rủi ro cao. Do đó, công ty không được thế chấp du thuyền để vay vốn.

Thật sự, khi chưa có dịch, hàng ngày du thuyền mang lại lợi nhuận cao nhưng khi đi vay thì không được. Chẳng hạn một chiếc du thuyền trị giá 45 tỉ đồng nhưng ngân hàng định giá chưa đến 20 tỉ đồng" - ông Cường kể.

Ông Cường cho biết, với ba chiếc du thuyền trên sông Mê Kông chiếm 85% doanh thu thì đang nằm một chỗ, một chiếc du thuyền kinh doanh nhà hàng, chiếm doanh thu 15% thì công ty đang cố gắng nâng doanh thu lên 25% so với trước đây để nuôi toàn bộ người lao động. Tuy nhiên, với mức độ cắt giảm 60% lao động, một du thuyền không gánh nổi. Hiện nay DN đang bù lỗ.

“Nếu không duy trì hoạt động thì hoạt động chúng tôi mất thương hiệu và cũng không thể giữ được lực lượng lao động dù bù lỗ 1,5 tỉ đồng/tháng. Chúng tôi xác định không phải bù lỗ trong 20 tháng mà đến 24 tháng phải ”, ông Cường chia sẻ.

Du khách tham quan Đà Lạt. Ảnh: TÚ UYÊN

Trong khi đó, ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Lữ hành Fiditour, cho biết công ty cũng không khác gì DN khác, đặc thù của Fiditour chỉ kinh doanh lữ lành và chắc chắn khi vay gặp vấn đề về tài sản thế chấp.

Nếu vay thế chấp sẽ không có công ty lữ hành nào có tài sản thế chấp được. Mặt khác, các công ty lữ hành hoạt động đến giai đoạn này là sử dụng nguồn vốn của mình chứ chưa có DN nào dám vay khi nguồn thu chưa cao.

“Chúng tôi cầm cự nhưng không biết đến giai đoạn nào. Tuy nhiên khi dịch khống chế, tour tuyến khởi động lại chắc chắn DN lữ hành cần nguồn vốn lớn.” - ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, làm sao để tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi của Chính phủ thì hiện nay DN không biết mình có thuộc đối tượng được vay hay không, tiêu chí nào để được vay...

Do đó, DN đề xuất ngân hàng dựa vào tiền thuế mà các DN lữ hành nộp ngân sách nhà nước trong những năm qua để biết năng lực DN đến đâu để có thể xem xét tiêu chí duyệt cho DN lữ hành tiếp cận.

Thứ hai là dựa vào uy tín, độ lớn thương hiệu của DN; dựa vào quy mô số lượng người lao động của DN cho vay phù hợp để DN lữ hành trả lương cho người lao động.

"Chúng tôi không kỳ vọng tiếp cận vốn vay với lãi suất 0% hoàn toàn mà có thể có các tiêu chí để DN tiếp cận vay lãi suất 2-3% là quá tốt. Ngoài ra, ngân hàng có thể chủ động kết hợp cùng DN lữ hành tung ra sản phẩm kích cầu mua tour trả góp 0% lãi suất; phát hành thẻ đồng thương hiệu để cùng nhau khai thác, phục vụ du khách.

Như vậy, DN lữ hành có nguồn khách và là cách ngân hàng chăm sóc khách hàng chủ thẻ của mình” - ông Dũng đề xuất.

Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, Sacombank đồng cảm với những khó khăn của DN. Sacombank đã có những gói khoảng 20.000 tỉ đồng, ưu đãi giảm tới 2%/năm lãi suất cho vay.

Về vấn đề vay vốn đúng là phần lớn các ngân hàng cho vay cần có tài sản nào đó, mong muốn có tài sản đảm bảo, Sacombank ghi nhận điều này. Bên cạnh đó, việc cho vay tín chấp rất hạn chế.

Theo ông Tuệ, muốn giải quyết vấn đề vay tín chấp thì DN lữ hành phải uy tín, phải có quá trình đồng hành với ngân hàng, khi đi lâu với nhau mới hiểu, mới tin, mới dám cho vay tín chấp.

“Xin nói thật DN lữ hành thì tài sản là con người, là trí tuệ, là thương hiệu nhưng tài sản vật chất là không nhiều. Nhiều khi DN lữ hành đội ngũ nhân sự giỏi, thương hiệu vài chục năm…nhưng chẳng hạn như năm nay 350 DN lữ hành xin trả giấy phép. Nếu ngân hàng đồng hành mà DN trả giấy phép thì ngân hàng cũng áp lực lắm..." - ông Tuệ nói.

 Năm 2020 các chỉ số tăng trưởng của ngành đều sụt giảm. Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019, khách nội địa ước đạt 55 triệu lượt, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 ước đạt 320 ngàn tỷ đồng, giảm 54% so với năm 2019.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.