Ngăn chặn suy giảm kinh tế: Nên tăng cường bán hàng trả góp

Tăng khả năng tiêu dùng của người dân là một trong những yếu tố quyết định giúp nền kinh tế thoát ra khỏi suy thoái. Đó là nội dung chính được thảo luận tại hội thảo khoa học cấp quốc gia “Ngăn chặn suy giảm kinh tế Việt Nam” do Trường đại học Kinh tế quốc dân, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng qua (9-5) tại Hà Nội.

Kiềm chế giá hàng thiết yếu

Theo GS-TSKH Lê Du Phong, Trường đại học Kinh tế quốc dân, trong điều kiện nền kinh tế hiện nay, thu nhập của người dân bị thu hẹp, người ta thường cân nhắc kỹ các khoản chi tiêu của mình. Do vậy doanh nghiệp nên tìm nhiều cách bán hàng có lợi hơn cho người dân, đặc biệt là hình thức mua hàng trả góp, mua hàng trả sau với lãi suất thấp, mua hàng số lượng lớn sẽ có thưởng, tặng quà... Nói cách khác, đây là thời điểm các doanh nghiệp cần coi người tiêu dùng là “thượng đế” thực sự.

Đối với những mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, theo GS Phong, ở những thời điểm nhạy cảm này phải tìm mọi cách kiềm chế việc tăng giá. Bởi lẽ việc tăng giá các mặt hàng này sẽ làm cho mặt bằng đầu vào của nền kinh tế bị đội lên, việc giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh của tất cả sản phẩm sẽ không thể thực hiện được. Mặt khác, ngay lập tức nó sẽ làm giảm sức mua của người dân. Hậu quả cuối cùng là các doanh nghiệp tiếp tục rơi vào cảnh đình trệ, nền kinh tế tiếp tục suy giảm. Chắc chắn là việc kích thích tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế suy giảm là việc làm không dễ. Tuy nhiên, theo GS Phong, chúng ta cần có giải pháp kịp thời hơn nữa để giữ ổn định sức mua trong dân.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính đến cuối tháng 2, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến ước tăng 67% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, gạch lát 55%, quần áo may sẵn 76%... PGS-TS Nguyễn Đông Phong, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng: “Trong lúc khó khăn như hiện nay, đây là thời điểm mà doanh nghiệp cần sớm nghiên cứu đưa ra các sản phẩm mới phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng với xu hướng tiết kiệm trong chi tiêu hoặc có những chương trình khuyến mãi thiết thực. Doanh nghiệp cần tiến hành cơ cấu lại danh mục sản phẩm sao cho phù hợp với thị trường, tránh tồn đọng quá nhiều hàng hóa làm tăng chi phí dự trữ. Chẳng hạn việc cơ cấu các mặt hàng ở siêu thị nên hướng đến những mặt hàng thiết thực với người tiêu dùng”.

PGS Nguyễn Đông Phong lấy ví dụ thời gian qua Saigon Co.op đã khảo sát trên 800 hộ dân tại TP.HCM về yếu tố quan trọng khi mua hàng thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày. 98% ý kiến cho rằng thực phẩm an toàn, vệ sinh là yếu tố quan trọng khi lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày, còn 89% ý kiến quan tâm đến giá cả.

Tập trung sản xuất hàng chất lượng cao

Theo TS Bùi Tùng, ĐH Hawaii (Hoa Kỳ), doanh nghiệp trong nước nên tập trung sản xuất những hàng chất lượng cao để bán với số lượng ít hơn thay vì sản xuất hàng rẻ với chất lượng thấp mà bán ồ ạt. Vì khi thu nhập giảm mà giá cả các mặt hàng đều tăng cao, người tiêu dùng sẽ chỉ lựa chọn những mặt hàng uy tín, có chất lượng đảm bảo. Hơn nữa theo giải thích của TS Tùng, cách lựa chọn những sản phẩm uy tín, chất lượng cao sẽ là giải pháp lâu dài, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Ngoài việc phát triển thị trường trong nước, TS Bùi Tùng nhấn mạnh hầu hết các nền kinh tế đều chọn cách “bế quan tỏa cảng”, tức là chỉ dùng hàng trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần phải nỗ lực hơn nữa để hàng Việt Nam có thể có mặt tại thị trường ngoại. Ví dụ tại thị trường Hoa Kỳ, nếu một đôi giày đã được làm hoàn thiện sẽ phải chịu mức thuế nhập khẩu rất cao nhưng thay vì đó mà chúng ta có thể xuất đôi giày chưa xỏ dây để có mức thuế thấp hơn. Nói tóm lại, các doanh nghiệp cần tìm hiểu luật pháp cũng như những ưu đãi của các nước để có thể đưa hàng xâm nhập vào thị trường ngoại một cách thuận lợi, hợp pháp.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng quý I-2009 ước tính chỉ đạt 270 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2008. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 6,5%, thấp hơn mức tăng 11% của cùng kỳ năm trước.

(Nguồn: Bộ Công thương)

LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm