'Nếu chỉ tư duy cho địa phương mình, khó hồi phục sản xuất'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Do ảnh hưởng của giãn cách xã hội kéo dài, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu thủy sản bị đứt gãy, doanh nghiệp (DN) bị mất khách hàng, thiếu công nhân làm việc... Đó là những thông tin được các đại biểu nêu ra tại hội nghị ngày 17-9 bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16 ở khu vực Nam bộ. Hội nghị do Bộ NN&PTNT tổ chức.

Một số công ty chế biến thủy sản đang nỗ lực duy trì sản xuất. Ảnh: QH

Các địa phương phải ngồi lại thống nhất cách làm

Tại hội nghị, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú, cho biết do ảnh hưởng của giãn cách xã hội, chuỗi giá trị tôm gần như đã đổ vỡ. Nguy cơ cuối năm nay ngành tôm thiếu nguyên liệu trầm trọng cho xuất khẩu.

“Chúng tôi rất lo trong tháng 10, tháng 11 không có nguyên liệu để chế biến xuất khẩu trả các đơn hàng phục vụ cho mùa Noel, đón mừng năm mới. Giả sử lúc đó hết dịch, công nhân được đi làm hết thì lại không có nguyên liệu để làm và đây là khó khăn rất lớn với DN” - ông Quang cho biết.

Theo chủ tịch Tập đoàn Minh Phú, bây giờ triển khai thả tôm gấp, tháng 11, tháng 12 có tôm nguyên liệu thì cũng chỉ kịp phục vụ cho các nước châu Á, còn thị trường châu Âu, châu Mỹ không còn kịp nữa. Lý do là việc xuất khẩu sang các thị trường này phải xuất hàng muộn nhất trong tháng 11 nhưng tình hình thiếu tôm nguyên liệu, kẹt cảng, thiếu container... “Với ngành tôm, hiện không cần phải tìm các đơn hàng mới, vì để giao được các đơn hàng cũ là đã tốt lắm rồi” - ông Quang cũng nêu thực tế.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cũng cho biết vào thời điểm giữa tháng 7, ít công ty có thể đánh giá được rằng việc giãn cách có thể kéo dài đến hơn hai tháng, dẫn đến bị động.

Nhưng lo ngại nhất là thiếu nguồn nguyên liệu như tôm, cá tra... từ cả nguồn khai thác và nuôi trồng. Trong khi sản xuất sụt giảm thì các chi phí để đảm bảo “ba tại chỗ” lại tăng vọt và tạo áp lực lớn, dẫn đến chi phí chung cho sản xuất tăng rất cao.

“Với các DN sản xuất “ba tại chỗ”, giá thành trên đơn vị sản phẩm đã tăng 10%-25% tùy theo loại sản phẩm như tôm, cá tra, cá ngừ, hải sản... Theo tính toán sơ bộ, một công ty trung bình sẽ lỗ khoảng 30%/tháng nếu duy trì sản xuất “ba tại chỗ” với chỉ 1/3 công suất; thiệt hại 50%-55%/tháng nếu ngưng sản xuất” - ông Nam dẫn chứng.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn - bà Trương Thị Lệ Khanh thì cho rằng bảy tỉnh, TP sản xuất cá tra cần có cuộc họp để tạo điều kiện lưu thông cho nhân công thu hoạch, nhân viên cung ứng giống đến các địa phương. Bên cạnh đó, các tỉnh cần có sự công nhận kết quả test COVID-19 nhiều lần liên tục để có sự thông suốt trong di chuyển.

Thay đổi tư duy sẽ xoay chuyển được tình thế

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thông tin hiện có 170 nhà máy chế biến đã dừng hoạt động, các nhà máy còn lại công suất hoạt động chỉ đạt 30%-40%. “Vậy khi hết giãn cách thì làm thế nào công nhân trở lại nhà máy? Hiện giờ công nhân rất ngại làm trong môi trường “ba tại chỗ”. Họ rất ngại đi làm” - Thứ trưởng Nam cho biết.

Theo Thứ trưởng Nam, Chính phủ đã có Nghị định 105 hỗ trợ DN và hợp tác xã để phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, riêng vấn đề chế biến thủy sản, để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu 8-9 tỉ USD thì cần có giải pháp cấp bách kịp thời.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho hay có rất nhiều DN nhắn tin cho ông phản ánh về tình trạng khó khăn, kêu trời không thấu. Tuy nhiên, bộ trưởng cho rằng nếu chúng ta điều chỉnh tư duy một chút, thay đổi cách làm việc một chút thôi cũng xoay chuyển được tình thế ở trong điều kiện bất thường này. Theo đó, đối với 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần phải được nhìn nhận như một thực thể kinh tế chứ không phải mảnh ghép của 13 địa giới hành chính. Cần phải tư duy lại, tư duy liên vùng.

“Người ta đưa ra dự báo TP.HCM sẽ phục hồi sau đại dịch nhanh hơn các tỉnh ĐBSCL, vì họ là một thực thể. Tôi nắm được thông tin rất nhiều tỉnh họp tìm cách phục hồi kinh tế cho tỉnh mình sau đại dịch nhưng nếu các đồng chí chỉ tư duy cho tỉnh mình thì sẽ không bao giờ thành công” - bộ trưởng nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành nông nghiệp tiếp tục lấy dẫn chứng: “Các đồng chí nói tỉnh tôi có bao nhiêu lúa, bao nhiêu cá, bao nhiêu trái cây... nhưng đó không phải là vấn đề. Bởi vì bao nhiêu lúa, cá... để ra được thị trường thì phải lệ thuộc vào hệ thống chằng chịt của cả 13 tỉnh, thành ĐBSCL, từ ông thương lái tới ông DN”.

Nhấn mạnh vấn đề “nước xa không cứu được lửa gần”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng vấn đề quan trọng ở đây vẫn là vai trò của các địa phương. Các DN, hiệp hội ngành hàng và các địa phương cùng thay đổi tư duy. Các bên cùng ngồi lại kiến tạo không gian vừa an toàn phòng chống dịch vừa đạt hiệu quả trong sản xuất.

Cũng theo Bộ trưởng Hoan, các địa phương thường rất mong muốn mời gọi DN về đầu tư sản xuất, tiêu thụ… nhưng trước khi mời gọi địa phương cần xem xét việc đã tổ chức sản xuất thế nào. Ví dụ, việc tập hợp thành tổ hợp tác, hợp tác xã để DN liên kết có hay chưa? Chất lượng sản phẩm đã được đảm bảo theo tiêu chuẩn nào?… “Đề nghị các địa phương chủ động và thống nhất xây dựng kế hoạch sản xuất trong, sau giai đoạn giãn cách nhằm đảm bảo sản xuất, cung ứng nông sản ổn định, lâu dài” - ông Hoan nhấn mạnh.•

 

Tạo điều kiện để nhà máy hồi phục càng sớm càng tốt

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký VASEP, cho biết qua khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 30%-40% DN có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Lý do là chủ trương của nhiều tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16 với việc chỉ tập trung vào mục tiêu chống dịch; nhiều công ty khó quy tụ lại lực lượng lao động do công nhân chưa được tiêm vaccine hoặc đã về quê, cách ly, đang điều trị COVID-19...

Từ thực tế trên, VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ DN xây dựng phương án và cùng họ làm việc với địa phương khi trình phương án tổ chức sản xuất trong thời gian mở giãn cách từng phần. Qua đó nhằm khôi phục sản xuất để địa phương phê duyệt nhanh nhất vì thời gian của năm không còn nhiều, làm sao để nhà máy sản xuất càng tối đa công suất càng tốt.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT cần có ý kiến sớm với Bộ Y tế để có hướng dẫn về vấn đề xét nghiệm. Trong đó, quy định cụ thể cho các trường hợp chưa tiêm vaccine, đã tiêm một mũi và đã tiêm hai mũi; quy định rõ tỉ lệ số công nhân phải test, thời gian test lại...; tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phép đi đường cho các phương tiện, cán bộ, nhân viên, lao động tại các nhà máy và nhân viên làm các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm