Nếu chạy theo lợi ích riêng, ngành tôm tỉ đô sẽ đổ bể

Chiều 14-4, tại Hội chợ Triển lãm Công nghệ ngành tôm Việt Nam 2021 (VietShrimp 2021) ở TP Cần Thơ, đơn vị tổ chức đã có buổi hội thảo “Đích đến bền vững”.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản Trần Đình Luân trình bày tại hội thảo Đích đến bền vững chiều 14-4. Ảnh: HP

Tại đây, ông Trần Đình Luân – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã thay mặt Tổng Cục Thủy sản trình bày về định hướng và triển vọng ngành tôm Việt Nam.

Ông Luân cho biết, giai đoạn 2010-2020, diện tích và sản lượng nuôi tôm có chuyển dịch rõ rệt. Cụ thể, lĩnh vực tôm giống trước đây có 2.400 cơ sở sản xuất tôm giống.

Còn hiện nay, cơ sở sản xuất tôm giống đã giảm rất nhiều, đặc biệt khi triển khai Luật Thủy sản năm 2017, cơ sở sản xuất tôm giống phải đáp ứng đủ điều kiện thì rất nhiều cơ sở nhỏ lẻ, không đủ điều kiện đã được dẹp bỏ.

Vùng sản xuất tập trung hiện nay cũng tăng lên rất nhiều. Nhiều địa phương có vùng sản xuất tôm công nghệ cao. Đặc biệt như Bạc Liêu có khu công nghệ cao sản xuất tôm. Nhiều địa phương quy hoạch 300-500 ha để nuôi tôm công nghệ cao…

Về cơ cấu diện tích, Việt Nam có lợi thế tôm sú nhưng giai đoạn vừa qua thì tôm thẻ mới là tôm chiếm lợi thế. Trong năm 2020, tôm thẻ gần như gấp đôi tôm sú về sản lượng, mặc dù diện tích nuôi tôm thẻ chỉ hơn 100.000 ha nuôi thâm canh và nuôi công nghệ cao.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm nuôi tôm, có 91,2% diện tích nuôi tôm nước lợ là ở ĐBSCL và 80,9% sản lượng tôm nước lợ ở đây.

Trong năm 2020, tổng diện tích nuôi đạt 745.000 ha, sản lượng 930.000 tấn (trong đó tôm nuôi là 900.000 tấn), kim ngạch đạt 3,78 tỉ USD.

Triển lãm công nghệ ngành tôm được kỳ vọng là nơi chia sẻ các công nghệ mới giúp doanh nghiệp, người nuôi tôm đạt hiệu quả cao trong sản xuất tôm. Ảnh: NN

Theo ông Luân, khó khăn bất cập là hạn hán và xâm nhập mặn. Tuy nhiên hai vấn đề này không đáng lo bằng việc ĐBSCL hiện nay chênh lệch nhiệt độ ngày – đêm và ô nhiễm môi trường với cách nuôi truyền thống.

Khó khăn tiếp theo là nguồn giống. “Tôi với vai trò là người chịu trách nhiệm rất trăn trở. Khi nào Việt Nam có trung tâm chọn giống, khi nào Việt Nam chủ động được đàn tôm bố mẹ. Về an ninh tôm bố mẹ hiện nay chúng ta rất rủi ro” – ông Luân cho hay.

Cạnh đó là thuốc, hóa chất không rõ nguồn gốc để lại hậu quả về môi trường. Sự liên kết của ngành tôm còn rất ít.

Một tồn tại rất nguy hiểm là xả thải nuôi tôm công nghiệp lẫn trong vùng nuôi tôm quảng canh, tôm lúa. Quản lý xả thải trong nuôi tôm công nghiệp đối với các địa phương, doanh nghiệp và người dân là điều cảnh báo rất nghiêm trọng.

"Nếu không quản lý tốt việc này thì sang năm hoặc sang năm nữa, ngành tôm sẽ có vấn đề. Cần quản chặt vấn đề này nếu muốn đi theo cái đích là phát triển bền vững ngành tôm. Nếu buông lỏng, vì lợi ích riêng của doanh nghiệp, hộ dân thì ngành tôm của chúng ta sẽ đổ bể.

Đây là cảnh báo về việc xả thải không qua xử lý, không tuân theo quy định pháp luật…

Chúng ta mong muốn có một ngành tôm phát triển bền vững. Bền vững theo đúng nghĩa chủ động về con giống, quy trình nuôi, vật tư đầu vào, quá trình chăm sóc, thu hoạch, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội.

Nếu không quản lý xả thải, việc bảo vệ môi trường thất bại thì hình ảnh con tôm Việt Nam không tăng lên mà chỉ có giảm đi” – ông Luân cảnh báo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm