Nên xem xét mở cửa từng bước với doanh nghiệp nguy cơ thấp

UBND TP.HCM vừa đưa ra bốn phương án để các doanh nghiệp (DN) tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (ảnh), đánh giá: “Để thực hiện theo bốn phương án trên không đơn giản, chỉ có một số ít công ty đáp ứng được yêu cầu”.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM 

Mô hình 3T không bền vững

. Phóng viên: Nhiều DN và hiệp hội đánh giá phương án sản xuất “ba tại chỗ, gọi tắt là 3T”, “một cung đường - hai địa điểm” không hiệu quả và không thể kéo dài. Ông đánh giá thế nào về mô hình này?

+ Ông Chu Tiến Dũng: Qua khảo sát mới đây với trên 50 công ty đang thực hiện 3T cho thấy: Chi phí tăng thêm với người lao động khoảng 9,3 triệu đồng/người/tháng, tương đương tăng thêm một tháng thu nhập. Tính chung, chi phí mà DN bỏ ra tăng gấp hai lần so với bình thường. Điều này có nghĩa nếu càng duy trì 3T thì DN càng lỗ, không thể bền vững được.

. Nhưng trên thực tế một số công ty vẫn duy trì mô hình 3T, thưa ông?

+ Phương án 3T chủ yếu thực hiện được ở các công ty trong khu công nghiệp và khu chế xuất nhờ có hạ tầng cơ sở khá tốt. Hơn nữa những đơn vị này thường có ít lao động và có tiềm lực tài chính mạnh. Thực tế, tuy cố gắng duy trì sản xuất 3T nhưng họ lỗ nặng.

Lỗ nhưng họ buộc phải làm vì ba nguyên nhân chính sau đây. Thứ nhất, DN đang bị ràng buộc bởi các hợp đồng kinh tế với đối tác và phải thực hiện. Nói cách khác, nếu không duy trì sản xuất để cung ứng hàng hóa theo hợp đồng đã ký kết thì hệ lụy sẽ lớn hơn so với chi phí thực hiện 3T.

Thứ hai, DN phải duy trì đảm bảo dòng tiền khi nguyên vật liệu đã nhập, tiền đã vay ngân hàng, nếu không sản xuất, giao hàng để thu tiền về trả nợ vay thì chỉ có nước phá sản. Thứ ba, DN phải đảm bảo một lượng lao động ổn định để duy trì sản xuất và giữ chân họ.

Tuy nhiên, có rất nhiều khó khăn khiến DN khó duy trì lâu dài khi thực hiện mô hình 3T. Đó là chưa kể một số địa phương không cho DN không thuộc lĩnh vực sản xuất hàng thiết yếu được hoạt động dù có đủ điều kiện sản xuất 3T.

Triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho công nhân tại Công ty cổ phần Sài Gòn Food. Ảnh:Q.HUY

Thực hiện phương án mới không dễ

. Trước những khó khăn của 3T, UBND TP.HCM vừa đưa ra bốn phương án cho DN sản xuất, kinh doanh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Ông đánh giá tính khả thi của các phương án mới này ra sao?

+ Về bốn giải pháp mà TP.HCM vừa đưa ra, bản chất của ba giải pháp đầu tiên là “3T”, “hai địa điểm - một cung đường” nên DN vẫn tiếp tục gặp khó. Riêng giải pháp “bốn xanh” cũng là chuyển thể từ giải pháp sản xuất 3T có mở rộng về vấn đề nhân lực, điều chỉnh vấn đề ăn, ở, sinh hoạt của người lao động. Cụ thể, một số công nhân thực hiện 3T ở nhà máy, còn một số vẫn đi làm và về nhà trên cung đường xanh, địa chỉ xanh.

Vì vậy chỉ một số công ty có tiềm lực mạnh về tài chính, ít người, lao động có thu nhập cao, có nhà riêng… thì mới có thể thực hiện được giải pháp “bốn xanh”. Còn đại đa số công ty khác công nhân chủ yếu thu nhập trung bình, ở nhà trọ chật hẹp, khu dân cư đông đúc… thì khó đáp ứng được các điều kiện “bốn xanh”. Ví dụ, công nhân bình thường thì lấy đâu ra phòng cách ly.

Tôi hiểu TP.HCM đang rất đồng hành với DN nhưng thực tế sẽ rất khó khả thi để thực hiện được mô hình “bốn xanh”.

. Vậy ông đề xuất giải pháp nào để TP.HCM có thể vừa đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, duy trì sản xuất lẫn phòng chống dịch COVID-19?

+ UBND TP.HCM vừa có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp khoảng 28.000 tỉ đồng và hơn 142.000 tấn gạo để cứu đói hơn 4,7 triệu người đang lâm vào cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Hiện số lao động mất việc ở nhà rất nhiều, trong khi các bệnh viện, trung tâm y tế kêu gọi tình nguyện viên nhưng vẫn thiếu trầm trọng. Vì vậy chúng tôi đề xuất TP.HCM huy động lực lượng lao động mất việc đang ở nhà tham gia hỗ trợ ngành y tế chống dịch. Ví dụ, TP có chính sách thuê, tiêm vaccine, hướng dẫn phòng dịch và trả lương hẳn cho lực lượng hỗ trợ này.

Như vậy, người lao động có thu nhập, đảm bảo cuộc sống, còn TP giải quyết được phần nào bài toán an sinh xã hội và giải quyết được bài toán quá tải của ngành y tế. Bên cạnh đó cần giảm giá điện hoặc miễn giá điện sinh hoạt cho công nhân thực hiện theo mô hình 3T như đối với các khu cách ly; hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 cho công nhân miễn phí...

Chỗ ngủ của công nhân tại một công ty đang thực hiện 3T. Ảnh: ĐÌNH TUẤN

Bốn phương án mới cho sản xuất, kinh doanh

UBND TP.HCM vừa đưa ra bốn phương án cho DN tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Phương án 1: Tiếp tục thực hiện phương án “3T” hoặc phương án “3T theo kíp” linh hoạt (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).

Phương án 2: Tiếp tục thực hiện phương án “một cung đường - hai địa điểm” hoặc phương án “một cung đường - hai địa điểm” linh hoạt (người lao động chỉ lưu thông trên một cung đường nối hai địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung).

Phương án 3: Cả hai mô hình “3T” và “một cung đường - hai địa điểm”.

Phương án 4: Tổ chức hoạt động theo phương châm “bốn xanh” gồm: Nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.

Xem xét mở cửa từ từ, từng bước

. Nhưng dù sao thì các giải pháp trên cũng chỉ là trước mắt, thưa ông?

+ Đúng vậy. Quan trọng nhất là TP.HCM cần xem xét cho phép mở cửa từng bước những lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ mà tỉ lệ nguy cơ mắc COVID-19 không cao. Ngành nào nguy cơ thấp thì từ từ cho hoạt động trở lại chứ cứ khóa chặt thì không thể giải quyết được vấn đề an sinh mà còn làm đứt gãy luôn sản xuất, cung ứng, phát triển kinh tế.

Thực tế, nhiều nước trên thế giới khi dịch diễn biến phức tạp kéo dài, họ cũng buộc phải tính toán mở cửa trở lại, phát triển kinh tế. Vì thiệt hại kinh tế sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác.

. Nhiều ý kiến cho rằng chỉ có đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động tại các DN thì mới duy trì được sản xuất, kinh doanh?

+ Đúng vậy. Bằng chứng là khi TP.HCM triển khai tiêm vaccine cho toàn bộ công nhân lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất thì đến nay đã có tới 86% số người lao động đã tiêm mũi 1, chuẩn bị tiêm mũi 2. Chỉ còn 14% đang chờ tiêm mũi 1.

Như vậy, chỉ trong một thời gian nữa, toàn bộ công ty trong các khu này có thể đi vào hoạt động bình thường. Còn 14% người lao động chưa tiêm có thể bố trí làm những ca khác, khu vực riêng. Khi người lao động đã tiêm vaccine thì DN mới có thể tính toán được kế hoạch triển khai duy trì sản xuất, cung ứng hàng hóa.

. Xin cám ơn ông.

• Ông PHẠM XUÂN HỒNG, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM:

"Bốn xanh" chỉ có thể áp dụng cho công ty ít lao động

Thời gian qua chỉ có khoảng 10% DN trong ngành dệt may thực hiện được 3T nhưng không hiệu quả. Về bốn phương án sản xuất, kinh doanh cho DN mà TP.HCM vừa đưa ra thì chỉ có thể áp dụng cho những ngành sản xuất ít lao động. Còn đối với DN dệt may sử dụng nhiều lao động thì không thể thực hiện được.

Vì vậy, tôi cho rằng nên xem xét cho phép DN lựa chọn mô hình phù hợp với mình miễn là đảm bảo an toàn dịch bệnh.

• Ông PHẠM ĐỨC BÌNH, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình:

Đòi người lao động phải có nhà riêng là rất khó

Hiện công ty tôi đang thực hiện 3T nhưng tốn thêm rất nhiều chi phí, lỗ mà vẫn phải cố gắng hoạt động. Về phương án “bốn xanh” với tiêu chí nơi ở xanh, lao động phải có nhà riêng, có phòng cách ly… là khó khả thi.

Để DN hoạt động sản xuất an toàn thì trước hết vẫn là ưu tiên tiêm vaccine đồng loạt cho công nhân, người lao động. Đặc biệt, DN nào tiêm riêng DN đó chứ không nên tập trung nhiều công ty lại một chỗ. Khâu xét nghiệm cũng nên để DN tự làm cho công nhân, tránh nguy cơ lây nhiễm từ nhân viên y tế hoặc phải tới điểm xét nghiệm đông người. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.