Nên có một cơ quan quản lý riêng các DNNN

Ngày 5-5, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi làm việc với hơn 17 tổng công ty nhà nước tại TP.HCM và các cơ quan quản lý để lấy ý kiến góp ý dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN.

Theo các DN, vấn đề hiện nay mà các DNNN thường gặp phải đó chính là thiếu sự chủ động. “Luật này vẫn chưa tháo gỡ, cởi trói cho DNNN mà gần như siết hơn nữa. Có thể Nhà nước không muốn thất thoát như Vinashin nhưng khi quản quá chặt thì các DN mất hết sự nhạy bén” - đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM cho biết.

Đồng tình quan điểm này, một DN nói thêm: “Làm DNNN cái gì cũng phải xin ý kiến cơ quan quản lý, không được chủ động từ đầu tư đến nhân sự. Ngay cả khi đầu tư ra bên ngoài, nếu DN xin thoái vốn ở những nơi không hiệu quả thì trong luật cũng phải xin ý kiến, làm như vậy là mất cơ hội vì thủ tục xin ý kiến ở ta quá lâu”.

Nhiều ý kiến khác cho rằng đối với cơ chế giám sát cần giao cho một cơ quan độc lập, sau đó công khai thông tin bằng hình thức các báo cáo tài chính. DNNN cũng phải thực hiện kiểm toán như công ty đại chúng và có nghĩa vụ cung cấp thông tin như công ty niêm yết. Qua đó tăng cường sự giám sát của thị trường, của các nhà đầu tư, khách hàng, đặc biệt của toàn xã hội đối với DNNN.

TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cũng đồng tình với ý kiến trên. Ông nói: “Số DNNN hiện khá lớn vì vậy cần thiết có một cơ quan quản lý quản các DNNN. Các bộ ngành, chính quyền hành chính không vướng vào chuyện này. Thực sự “đẻ” thêm một cơ quan nhưng làm nhẹ gánh cho hàng chục cơ quan”.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục lấy ý kiến các DN về dự án luật này.

Cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn đầu tư của Nhà nước tại DN. Theo con số công bố tại hội thảo, tính đến nay, tổng vốn nhà nước tại các DNNN chưa kể đất đai và định giá lại trên nguyên giá là khoảng 1,3 triệu tỉ đồng, tương đương khoảng 60 tỉ USD.

Theo các chuyên gia hiện nay việc quản lý nguồn vốn này đều do các nghị định và quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bởi vậy việc xây dựng Luật Đầu tư và quản lý vốn đầu tư của Nhà nước tại DN là yêu cầu rất bức xúc nhằm đảm bảo việc quản lý nguồn lực to lớn của Nhà nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

M.PHƯƠNG - Q.HUY - Y.TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm