Năng suất tôm thẻ chân trắng gấp 10 lần tôm sú

Bên lề Hội nghị định hướng dự án Luật Thủy sản sửa đổi ngày 19-8, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN (VASEP), cho rằng Bộ TN&MT đưa tôm thẻ chân trắng (TCT) vào danh mục sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại là thiếu cơ sở vì thành phần hội đồng kiểm nghiệm không có những người làm thủy sản, các DN, chủ hộ nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Nam, cuối những năm 1990, tôm TCT đã được nuôi thử nghiệm tại một số vùng. Đầu năm 2008, Bộ NN&PTNT chính thức cho phép các tỉnh Nam Bộ nuôi thâm canh tôm TCT và nó đã khẳng định vị thế quan trọng trong cơ cấu sản xuất, xuất khẩu (XK) tôm của VN. (Năm 2010, XK tôm đạt trên 2 tỉ USD, chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch XK thủy sản của cả nước (5 tỉ USD), trong đó tôm TCT đóng góp 26% giá trị XK).

Năm 2011, sau khi dịch bệnh trên tôm sú ở vùng ĐBSCL tạm lắng, nhiều hộ nuôi tôm đã nuôi lại tôm TCT vì chỉ mất ba tháng là thu hoạch. Sản lượng thu hoạch tôm TCT cao hơn tôm sú gần gấp 10 lần.

Ông Nam cũng thông tin tôm TCT đến VN muộn hơn nhiều nước khác ở châu Á. Năm 1999, Trung Quốc cho phép nuôi đại trà tôm TCT. Thái Lan cũng là một trong những nước sản xuất tôm TCT lớn nhất trên thế giới (550.000 tấn năm 2010, chiếm 90% tổng sản lượng tôm Thái Lan). “Nếu như VN chỉ dựa vào con tôm sú trong khi hầu hết các nước cạnh tranh khác đều đang tận dụng tối đa thế mạnh của tôm TCT thì không biết tương lai của ngành XK tôm VN sẽ đi đến đâu” - ông nói.

Về quan điểm khác nhau giữa Bộ TN&MT với Bộ NN&PTNT về tôm TCT, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết hai bộ đang họp để đi đến phương án chung, chưa cần đến Chính phủ can thiệp.

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm