Nắm 30% cổ phần vẫn chi phối tốt

Theo đó, ngày 11-12, Đạm Cà Mau sẽ chào bán gần 129 triệu cổ phần với giá khởi điểm 12.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 24,5% vốn điều lệ. Sau IPO, Nhà nước sẽ nắm giữ 51% cổ phần của Đạm Cà Mau.

Con số 24,5% cổ phần trong giai đoạn đầu tuy chưa cao nhưng dù sao cũng được nhiều nhà đầu tư nhìn nhận là một bước cởi mở của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trong khi đó một DNNN khác vừa tổ chức IPO vào đầu tháng 11-2014, số cổ phần chỉ bán ra chưa nổi 4% vốn điều lệ. Đạm Cà Mau là một trong số những DNNN hoạt động hiệu quả kinh doanh thực sự. Sự phát triển của DNNN này đã thay đổi ngành phân bón của Việt Nam, từ một nước phải nhập khẩu phân ure thì nay đã có thể xuất khẩu, người nông dân không phải mua phân ngoại nhập với giá cao. Công nghệ sản xuất hiện đại, bộ máy nhân sự tinh gọn, lợi nhuận tăng qua từng năm. Đáng chú ý, DN này còn xuất khẩu cả nhân lực chất lượng cao sang các nước Nam Mỹ.

Một vị chuyên gia về đầu tư cho biết ngay cả những DNNN đã cổ phần hóa, số vốn cổ phần hóa đã bán ra bên ngoài mới chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Nhưng Nhà nước nên nắm giữ bao nhiêu % cổ phần mới hợp lý? Theo vị chuyên gia này, đối với các DNNN đã cổ phần hóa rồi thì Nhà nước nên xem xét lại, nếu cần thì mới nắm giữ, không thì phải giảm bớt, thậm chí phải nhận thức lại về vấn đề chi phối. Hiện chúng ta quy định 51% vốn là chi phối. Vấn đề này nên xem lại vì thực tế có nhiều DNNN chỉ cần nắm 30% hoặc 20% nhưng nếu biết quản lý, có phương án kinh doanh tốt, có người lãnh đạo năng lực thì Nhà nước vẫn chi phối được.

Nhà nước chỉ nắm giữ những DN thuộc lĩnh vực then chốt, nhạy cảm của nền kinh tế và những DN thuộc lĩnh vực công ích mà những tổ chức khác ngại đầu tư vào. Còn những gì mà các nhà đầu tư khác có thể tham gia được thì DNNN nên tiến hành cổ phần mạnh hơn.

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm