Năm 2007: Nhà đất đã soán ngôi “vua cổ phiếu”

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2007 chỉ tăng trưởng ở mức 20%, không còn giữ được phong độ 140% của năm 2006. Thế nhưng các chuyên gia cho rằng đây là mức tăng trưởng bền vững. Nhìn lại, trong lúc thị trường tăng trưởng chậm lại thì cổ phiếu của ngành bất động sản đang có sự bứt phá vượt lên so với nhóm cổ phiếu hàng đầu là ngân hàng.

Bất động sản vùng dậy

Giai đoạn những năm 2002-2006, thị trường bất động sản đóng băng, cổ phiếu của những doanh nghiệp thuộc ngành này không được nhà đầu tư quan tâm nhiều. Thế nhưng tình hình đã thay đổi vào năm 2007 khi thị trường bất động sản sôi động trở lại. Vì vậy, những mảng này đã trở thành sản phẩm kinh doanh cho lợi nhuận cao hơn so với kiểu kinh doanh phân lô, bán nền trước đây. Sức hấp dẫn của ngành bất động sản được thể hiện ở chỗ hơn 80% các công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán đã lên kế hoạch rót vốn vào bất động sản. Từ đây, hình ảnh những công ty kinh doanh bất động sản siêu lợi nhuận đã hoàn toàn thay thế hình ảnh doanh nghiệp nợ đọng ngân hàng trước đây.

Những yếu tố trên đã giúp cho cổ phiếu bất động sản đang trở thành tâm điểm chú ý của nhà đầu tư. Thậm chí có lúc thị trường đang đi xuống nhưng cổ phiếu bất động sản đang niêm yết trên sàn TP.HCM và Hà Nội vẫn cứ tăng giá rất mạnh. Trong số đó, cái tên SJS của Tập đoàn Khu công nghiệp và đô thị Sông Đà trở nên quá quen thuộc khi nó giúp nhiều nhà đầu tư từ dân thường trở thành tỷ phú. Còn nhớ cuối năm 2006, cổ phiếu SJS lên sàn chỉ có giá hơn 100.000 đồng nhưng sang năm 2007 đã tăng nhanh chóng mặt lên mức hơn 600.000 đồng/cổ phiếu. Sau nhiều lần chia tách, tính đến hết năm 2007, giá trị thị trường của cổ phiếu này đã lên đến mức hơn hai triệu đồng/cổ phiếu. Kế đến là những cái tên rất quen thuộc như cổ phiếu VIC của Vincom, cổ phiếu TDH của Công ty Phát triển nhà Thủ Đức, Hoàng Anh Gia Lai cũng có giá trên 150.000 đồng/cổ phiếu. Trên sàn Hà Nội, cổ phiếu bất động sản của “anh em” nhà Sông Đà cũng luôn giữ vị trí cao giá hàng đầu.

Sự hấp dẫn của cổ phiếu bất động sản được các chuyên gia cho rằng bắt nguồn từ sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt mang vốn vào Việt Nam kinh doanh đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt văn phòng, căn hộ cao cấp cho thuê. Vì vậy, hàng loạt quỹ đầu tư nước ngoài đã đua nhau đổ vốn vào các dự án bất động sản để tranh thủ cơ hội thị trường. Chỉ riêng Indochina Capital đã đầu tư gần một tỷ USD trong các dự án bất động sản ở Việt Nam. Đã vậy, cơn sốt căn hộ chung cư hồi đầu tháng 10-2007, rồi vụ xì-căng-đan mang tên Hanoi Land càng hâm nóng cổ phiếu bất động sản trên thị trường nhiều hơn nữa. Thêm vào đó, cổ phiếu của Coteccons đã được Dragon Capital đẩy lên cao gấp 22 lần mệnh giá.

Thời gian gần đây, những cái tên Licogi 16, Intresco bỗng nhiên cũng trở nên nổi tiếng khi Licogi 16 được VinaCapital đánh tiếng muốn làm cổ đông chiến lược. Rồi hiện tượng Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh nhà (Intresco) mới chỉ công bố kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu cũng đã trở thành tâm điểm chú ý của nhà đầu tư trên thị trường OTC.

Ngân hàng mất vị thế

Sự nổi trội của cổ phiếu ngành bất động sản có vẻ như đang làm lu mờ cổ phiếu ngành ngân hàng trong năm 2007 mặc dù ngành này vẫn đang được coi là mũi nhọn của nền kinh tế. Trên thị trường OTC, cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản đang có giá mua bán và tính thanh khoản cao hơn nhiều lần ngành ngân hàng, vốn được coi là ngành số một trước đây.

Hiện có hơn 20 loại cổ phiếu ngân hàng được giao dịch ở thị trường OTC và hai cổ phiếu được niêm yết trên sàn chính thức, bao gồm Ngân hàng Á Châu và Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín. Đầu năm 2007, cổ phiếu của ngành này vẫn giữ được vị trí quan tâm hàng đầu trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm 2007, mức độ quan tâm của nhà đầu tư với nhóm cổ phiếu này không còn cao như trước, mặc dù các ngân hàng công bố thông tin lợi nhuận rất hấp dẫn. Chẳng hạn những thông tin như hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trong năm 2007 từ cuối tháng 10, rồi lợi nhuận đạt trên 30% cũng không cứu cổ phiếu ngân hàng tăng giá vù vù như hồi đầu năm.

Nguyên nhân của vấn đề trên có lẽ xuất phát từ niềm tin của nhà đầu tư với những con số ngân hàng đưa ra tuyệt đẹp không còn, khi mà số lượng cổ phiếu phát hành thêm của ngân hàng cứ tăng chóng mặt. Ngân hàng cứ đua nhau phát hành thêm để tăng vốn điều lệ đã làm cho giá cổ phiếu hạ xuống mức rất thấp.

Điều này đã làm cho ngân hàng thu về hàng ngàn tỷ đồng vốn thặng dư, còn nhiều nhà đầu tư thì thua lỗ nặng. Đặc biệt, những nhà đầu tư đã ôm cổ phiếu của các ngân hàng như DongABank, lúc cao lên tới hơn 30 triệu/cổ phiếu này chỉ còn hơn 10 triệu, kế đến là EximBank. Hơn nữa, tính thanh khoản của cổ phiếu ngân hàng đang ở mức rất thấp đã làm nhà đầu tư phải dè chừng và có phần sợ cổ phiếu ngân hàng. Minh chứng cho điều này là cú “ngã đau” của “chú em út” GiađinhBank khi chỉ bán được hơn 100.000 cổ phiếu trong đợt phát hành 3,6 triệu cổ phiếu ra công chúng. Hay ngay cả gã khổng lồ Vietcombank khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng cũng chỉ có giá bình quân hơn 107.000 đồng/cổ phần. Kết quả này đã làm cho thị trường phản ứng tức thì với việc hàng loạt cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chính thức lẫn OTC đồng loạt xuống giá.

Các chuyên gia cho rằng ngoài nguyên nhân nhiều nhà đầu tư đã cạn vốn ra, còn nguyên nhân chính vẫn là lượng cung cổ phiếu ngân hàng trên OTC đã quá nhiều. Mặt khác, Ngân hàng nhà nước cũng đã cấp phép thành lập cho bốn ngân hàng thương mại cổ phần mới đã tạo ra nguồn cung cổ phiếu quá lớn. Vì vậy, cổ phiếu ngành ngân hàng sau những đợt tăng nóng hồi đầu năm 2007 đến nay đang rơi vào thời điểm khó khăn, khi nhiều nhà đầu tư đã kẹt vốn trên OTC.

VŨ HƯNG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

(PLO)- Hai doanh nghiệp sản xuất thép có thị phần lớn ở Việt Nam đã gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thông tin này gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong nội bộ ngành thép.