Mỹ: Vốn mở ngân hàng phải là tiền tiết kiệm

Tại Mỹ, bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào cũng có thể mua cả một ngân hàng (NH). Nhưng để thành lập một NH tại đây không dễ dàng gì.

Khó có chuyện “ông” bất động sản mở NH

Là người sáng lập First Vietnamese American Bank tại California năm 2005, tôi đã làm việc trực tiếp với các cơ quan chức năng của Mỹ để hoàn thành hồ sơ xin thành lập NH này và kinh nghiệm của tôi cho thấy họ quan tâm đặc biệt đến vấn đề thẩm định hồ sơ thành lập một NH.

Trước hết, họ sẽ xét mục đích anh thành lập NH này để làm gì. NH này được thành lập ra phải để phục vụ cộng đồng, đại chúng ở khu vực đó. Nếu xét thấy ý đồ thành lập NH không rõ ràng, chẳng hạn có khả năng dùng NH để rửa tiền thì lập tức sẽ không được xem xét. Thậm chí giả sử nếu xét thấy khả năng một ông bác sĩ lập NH để đầu tư thu lợi và phát triển kinh doanh có lợi cho ông ấy, hay mấy ông bất động sản lập NH để bán bất động sản hay vì các lợi ích cá nhân khác sẽ không được chấp thuận.

Mỹ: Vốn mở ngân hàng phải là tiền tiết kiệm ảnh 1

Để được chấp thuận thành lập NH tại Mỹ phải đưa ra được phương án hoạt động trong tương lai. Ảnh: INTERNET

Sau khi vượt qua được điều trên mới xét tới khía cạnh thứ hai là vốn. Vốn khởi đầu thấp nhất cho một NH tại đây là 10 triệu USD. Mặc dù luật liên bang và tiểu bang không quy định cụ thể vốn tối thiểu nhưng mức vốn thành lập 10-15 triệu USD là một quy định không thành văn.

Khi đã có vốn, các cơ quan chức năng họ tìm hiểu xem tiền vốn này từ đâu mà ra. Nếu là tiền đi vay mượn từ các tổ chức tài chính hay tiền lấy từ việc thế chấp tài sản, ngay cả tiền vay bạn bè, gia đình… thì đơn bị bác là cái chắc. Tiền thành lập NH phải là tiền tiết kiệm do chính ông sở hữu, còn nếu hai hay ba người góp vốn thì những người này đều lấy từ tiền tiết kiệm của chính mình. Vì họ quan niệm giữa vốn đầu vào và vốn đầu ra luôn luôn phải khớp nhau.

Chẳng hạn, vốn đầu vào (vốn thành lập NH) là vốn đi vay thì tiền vay này sẽ có thời gian trả nợ. Trong khi đó, ông đầu tư vào NH thì ông đâu có quyền rút lại tiền của mình. Nếu là tiền của ông thì ông đầu tư thoải mái vô hạn định. Vì thế, nếu người thành lập NH bị phát hiện vốn của mình đi vay thì được cho rằng có nhiều khả năng ông gom vốn thành lập NH để sử dụng cho mục tiêu lợi ích cá nhân nên sẽ không được phê duyệt.

Đặc biệt các cơ quan chức năng rất quan tâm đến các dấu hiệu của lợi ích nhóm hay ý đồ dùng NH để tạo độc quyền và khuynh đảo thị trường. Các cơ quan chức năng điều tra cặn kẽ về lai lịch, quá trình hoạt động và lý lịch tư pháp của các thành viên HĐQT và ban tổng giám đốc. Nhiều hồ sơ bị bác vì thành viên lãnh đạo của NH đã có tì vết của những sai phạm trong quá khứ.

Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong đó các NH qua những công ty con hay “người trong nhà” sở hữu chồng chéo để trục lợi cho các nhóm lợi ích tuyệt nhiên không thể xảy ra tại Mỹ vì đó là điều các cơ quan quản lý rất cảnh giác và không cho phép xảy ra. Ngay cả sau khi NH đã được thành lập, các cơ quan giám sát đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và có những biện pháp xử lý rất nghiêm ngặt, ngay cả việc rút giấy phép thành lập.

Phải xác định rõ đối tượng khách hàng

Để được chấp thuận thành lập NH tại Mỹ phải đưa ra được phương án hoạt động trong tương lai. Trong đó NH phải xác định mục tiêu và đối tượng phục vụ là gì, khách hàng nào và phân khúc thị trường nào sẽ được phục vụ, trong địa bàn nào và làm sao cạnh tranh được với các NH đang hoạt động. Các hoạt động tín dụng phải được mô tả rõ và làm cách nào để huy động tiền gửi của dân chúng tại địa phương đó. Và cuối cùng ông phải trình ra được dự báo tài chính trong vòng ba năm tới rất chi tiết cho từng tháng cho mỗi năm, xem tăng trưởng ra sao, lời lãi như thế nào. Các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm đến các giả định về lãi suất đầu vào, đầu ra, các tỉ lệ thanh khoản, các tỉ lệ an toàn vốn, tỉ lệ lợi nhuận được dự báo, là tiền đề cho dự báo tài chính.

Một hồ sơ hoàn thiện thường được xét trong thời gian rất ngắn 3-6 tháng và các cơ quan quản lý phải đạt được sự đồng thuận, trong đó công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang FDIC có tiếng nói mạnh nhất.

Sự khác biệt trong việc chia tỉ lệ sở hữu phần trăm NH Việt Nam và Mỹ

Tại Mỹ, luật của liên bang và phần lớn các tiểu bang của Mỹ không giới hạn tỉ lệ cổ phần một thể nhân hay một pháp nhân có thể sở hữu tại NH. Có nghĩa là một cá nhân hay một tổ chức kinh tế trên nguyên tắc có thể sở hữu 100% vốn pháp định của một NH. Tuy nhiên, nếu một cá nhân muốn sở hữu từ 10% trở lên phải được các cơ quan quản lý ngành NH liên bang và tiểu bang chấp thuận. Còn đối với các tổ chức kinh tế thì tỉ lệ là 5%. Vì các cơ quan quản lý NH tại Mỹ quan niệm rằng các cá nhân ít có khả năng khuynh đảo một NH hơn là một tổ chức kinh tế và vì thế thường cho phép cá nhân sở hữu nhiều hơn tổ chức kinh tế.

Ngược lại, tại Việt Nam, một tổ chức kinh tế chỉ được phép sở hữu không quá 15% và cá nhân là 5%.

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, Chuyên gia tài chính ngân hàng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm