Muốn chia lợi nhuận phải xin ý kiến các bộ, ngành?

Chiều 29-6, Bộ Tài chính họp báo chuyên đề về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết tính đến giữa tháng 6-2017 mới có 19 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Một trong những doanh nghiệp lớn đang chậm trễ cổ phần hóa là Tổng Công ty Lương thực miền Nam. Doanh nghiệp này cam kết IPO trong năm trước nhưng hiện đã kéo dài sang tận năm nay.

Về thoái vốn, tính đến hết tháng 5, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái được 3.445 tỉ đồng và thu về 14.806 tỉ đồng. Phần lớn nguồn tiền thu về nhờ việc bán vốn tại Vinamilk đã được thực hiện cuối năm 2016.

Với kết quả như trên, ông Tiến cho rằng quá trình cổ phần hóa và thoái vốn DNNN đang rất chậm. Nguyên nhân được vị này chỉ ra là do sự chần chừ, e ngại, ỷ lại của lãnh đạo các doanh nghiệp.

“Nhiều doanh nghiệp ngại làm vì gắn với trách nhiệm, có làm thì cũng không được tích cực, quyết liệt. Quy mô doanh nghiệp càng lớn thì khi bóc tách ra sẽ càng đụng tới trách nhiệm của lãnh đạo các thời kỳ và của chính lãnh đạo hiện tại. Điều này khiến người đứng đầu các doanh nghiệp có tư tưởng sợ, né trách nhiệm”- Ông Tiến nêu thực tế.

Ông Tiến cũng cho biết, sắp tới cơ quan chức năng sẽ sớm công khai các doanh nghiệp chậm lên sàn, có thể ngay trong tháng 6 và có phương án xử lý.

Ông Đặng Quyết Tiến chia sẻ tại cuộc họp báo chiều ngày 29-6. Ảnh: TP

Liên quan đến công tác quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tại cuộc họp, ông Tiến cho biết, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Theo đó Bộ Tài chính đề xuất bổ sung trách nhiệm của người đại diện vốn Nhà nước trong việc thu cổ tức, lợi nhuận được chia vào ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, với việc xử lý cổ tức, lợi nhuận, người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước phải báo cáo xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu đã thống nhất với Bộ Tài chính việc phân chia phần lợi nhuận, người đại diện tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên.

Đề xuất trên theo đại diện Bộ Tài chính là bài học từ chuyện ngân hàng đòi tăng vốn để giữ lại phần lợi nhuận trong khi Bộ Tài chính lại đòi thu về. Câu chuyện này đã được nhắc tới nhiều hồi năm ngoái với việc Bộ Tài chính “đòi” cổ tức tại BIDV và VietinBank.

Ông Tiến cho rằng, muốn chia cổ tức, lợi nhuận thì cần ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Tài chính. Điều này nhằm tránh trường hợp một số người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có thể vì lợi ích doanh nghiệp mà bỏ phiếu giữ lại lợi nhuận để tăng vốn cho doanh nghiệp trong khi chính doanh nghiệp đó lại trong diện Nhà nước không cần nắm giữ.

“Có những doanh nghiệp có khi phải thoái đi nhưng người ta thấy giữ lại lợi nhuận để chiếm dụng, làm việc này việc kia nên họ tăng vốn lên”- ông Tiến nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm